cái xóm ngã Bảy này, ít ai biết tên thật của bà và người ta thường chỉ gọi bà là "bà Bắc". Có lẽ người ta gọi tên bà như thế do bởi bà là người Bắc chính cống, với hàm răng đen, hơi vẩu và độc đáo với cái giọng chửi tục tuy thô lỗ nhưng đôi khi lại được kết vè, văn vẻ.
Chắn, một loại bài giống như tổ tôm, nhưng dễ chơi hơn nhiều. Bộ bài có 120 quân và thường phải có 5 người mới đủ bộ. Khi bài đã đủ 6 chắn thì thắng và ngườ ta gọi là "ù". Có nhiều loại ù khác nhau: Ù suông: chỉ cần 6 chắn là đù; Ù tôm: Khi ù, trên bài phải có 3 quân, tam sách, tam vạn, thất văn; Ù lèo: trên bài phải có 3 quân chi chi, cửu vạn, bát sách; Ù bạch định: Khi ù thì trên bài phải toàn là quân trắng; ù thập điều: khi ù, trên bài phải có chẵn 10 quân đỏ; ù thập điều lèo: Trên bài phải có 10 quân đỏ, trong đó phải có 3 quân cửu vạn, bát sách, chi chi.......
Ông Bắc rất hiền lành và nhút nhát trước vợ nên người ta gọi tên bà làm sao thì đặt tên cho ông theo chế độ mẫu hệ như thế. Không hiểu trứơc đây ra sao chứ bây giờ ông Bắc hiền qúa sức. Thậm chí có người bảo: "Ông ta hiền như chó thiến". Người ta rất ít khi thấy ông Bắc ra đừơng ngoài những khi bị vợ sai vật, phải đi đây đi đó. Hễ ông đang đứng trò chuyện với ai mà nghe giọng hắng của bà, hoặc thấy bóng dáng bà là ông cụp vòi đi thẳng.
Ấy vậy mà hàng xóm cứ nghe giọng bà Bắc tru tréo ông hoài. Nào là:"Dù sao thì mình cũng là bố của dược sĩ, bác sĩ mà sao ông lại cứ đi lại với nhãi ranh hoài!", nào là: "Nồi nào vung ấy! Ông phải biết danh gía mình mà lựa bạn chứ!".
"Nồi nào vung ấy" là câu mà bà Bắc thường ngỏ ra với những người muốn môi giới tình duyên cho cô con gái dược sĩ của bà. Hễ đám nào bà thấy không cân xứng thì thế nào câu cuối cùng của bà cũng: "Nồi nào vung ấy".
Bà chánh Tốn là chỗ khá quen biết với bà Bắc, thấy có cậu Tân là cháu của chồng mới học xong cán sự Phú Thọ, bà bèn nhanh nhẩu tới nhà bà Bắc ngỏ lời mai mối. Sau hồi chuyện vãn dông dài, bà chánh Tốn vào đề:
- Chẳng nói dấu gì bác, hôm nay em đến đây có mục đích là muốn ướm cô Trúc cho thằng cháu Tân.
- Ơ mà cậu Tân nào nhỉ? – Bà Bắc hỏi.
- Thưa bà! Thằng cháu Tân con nhà chú Tớm nhà tôi đấy!
- Ồ mà cậu ấy còn đang đi học mà?
- Dạ cháu nó mới vừa thi đỗ ra trường.
- Mà trường đại học nào vậy?
- Thưa bà trường cán sự Phú Thọ.
- Phú Thọ à? Cái trường mà người ta gọi nôm na là "kỹ sư thợ" có phải như thế không?
- Dạ thưa là cán sự Phú Thọ chứ ạ!
- Thì sự mới siếc gì! Học ở đó ra thì chỉ cao hơn mức thợ một tí.
Vừa nghe tới đây, bà chánh bỗng sa sầm nét mặt rầu buồn, còn bà Bắc thì nhâng nháo, vừa đưa tay quét vết trầu dính loe trên miệng, vừa nói tiếp:
- Thôi thì tôi chẳng nói dấu gì bà. Cháu Trúc đã có nhiều nơi ướm hỏi, toàn là bác sĩ, kỹ sư không à! Tôi cũng chưa biết chọn đám nào. Dù sao cũng phải "nồi nào vung ấy" cho xứng. Dược sĩ mà lại đi lấy anh thợ thì coi sao cho được.
Bà Bắc vừa nói xong, liền nhổm dậy, khiến bà chánh Tốn củng phải nhổm theo.
- Thế thì em xin phép bác bỏ qua, coi như em không đến đây để bàn chuyện này. Thôi em xin phép bác em về ạ!
Bà Bắc vừa vuốt vết trầu dính trên miệng, vừa nói:
- Thôi thì bỏ qua chuyện ấy, mình ở đây nói tiếp sang chuyện khác.
Mặc dầu bà Bắc nói thế nhưng bà chánh một mực kiếu từ ra về vì bả cảm thấy bị bà Bắc khinh rẻ qúa đáng. Vừa đi, bà vừa thầm thì :"Lại nhiều mối tối nằm không", "gìa kén, kẹn hom"..
Gia đình bà chánh Tốn trước đây rất khá gỉa, ông Tốn từng làm chánh tổng Phủ Lỗ, huyện Gia Lâm. Một huyện rất lớn và có nhiều làng nghề truyền thống. Ông chánh Tốn từng uy danh một cõi, trong khi gia đình bà Bắc thì nghèo khó và ông Bắc chỉ là một tên lính bảo an. Khi di cư vào nam thì làng của ông chánh Tốn và gia đình bà Bắc đã phải phiêu bạt và tản mác nhiều nơi. Người thì ở Tây Ninh, kẻ ở Cái Sắn, gia đình ông Chánh và bà Bắc thì ở Sài Gòn. Tuy không cùng một khu phố nhưng vì là người làng nên thỉnh thoảng họ tìm tới thăm nhau. Thuở ban đầu khi mới di cư vào nam thì ông bà Bắc hay tìm đến thăm gia đình ông chánh Tốn nhưng từ khi làm ăn khấm khá và con cái đỗ đạt thì ông bà Bắc hình như cắt đứt mọi quan hệ với dân làng. Thậm chí ông bà muốn cạo rửa tất cả những dính bám của làng cũ nơi mình. Ngay những ngày hội làng vào dịp kính lễ quan thày thánh Phê rô, bổn mạng của dân làng, được tổ chưa hằng năm vào cuối tuần lễ, cuối tháng sáu tại một xứ đạo đông dân làng cư ngụ ở Thủ Đức thì ông bà cũng kiếm cách kiếu từ.
Dân làng Hậu chọn thánh Phê Rô làm quan thày, làm bổn mạng cho dân làng vì khi theo đạo, cụ tiên chỉ của làng đề nghị rằng chúng ta sinh sống bằng nghề chài lưới nên chọn thánh Phê Rô là đúng nhất vì thánh Phê Rô xưa kia cũng là một ông thuyền chài, sống về nghề đánh cá. Khi nghe theo tiếng gọi của Chúa, ông Phê Rô đã quẳng chài, bỏ thuyền mà chạy theo. Thấy có lý, cả làng Hậu theo lời cụ tiên chỉ chọn thánh Phê Rô làm quan thày từ đấy.
Nhà bà Bắc rất sùng đạo, ít nhất là vẻ bề ngoài. Tối nào nhà bà cũng đọc kinh rất to, rất dài. Song song với tiếng kinh, lời hát, thỉnh thoảng hàng xóm, người qua đường lại nghe tiếng bà quát tháo. Khi thì quát tháo con, khi thì chồng, thậm chí có lúc cả con chó, con mèo hàng xóm lờn vởn trứơc cửa nhà bà. Bà đọc kinh như một cái máy thu âm sẵn được mở to ra.
Đạo đức vậy chứ hễ có ai lỡ đụng chạm tới bà thì cái miệng bà quác ra không thua cái gàu dai. Bà chửi ai là chửi có văn vẻ, sách vở đàng hoàng. Những lời bà chửi giống như những câu vè mà bà học thuộc lòng. Những người hàng xóm người miền nam thì chỉ biết bâu lại nghe để mà rộ cười vì nó mới lạ và khôi hài qúa. Trong khi những người gốc bắc nghe bà chửi thì chỉ biết than lên rằng: "chua qúa! Khiếp qúa!".
Mỗi khi bà chửi ai là bà lôi gốc gác, tông ti, họ hàng bao đời của nạn nhân ra mà chửi. Có một lần, một ông tài xế taxi ngang qua ngõ hẹp nhà bà, xe cộ khó tránh, ông ta chỉ than van một lời: "Cột xây chắn đường qúa!". Thế là từ bên trong nhà chạy ra, bà réo lên:
- Tiên sư bố cái lão tài mạt xác kia! bà có lấy xương, lấy cốt của bố, tổ nhà mày ra xây cột đâu mà mày lại tru tréo lên thế!
Bác tài định xúông xe phân giải phải trái nhưng thấy bà đang "nổi tam bành" ra như thế liền bấm còi inh vang một hồi cho đỡ tức, rồi phóng xe chạy thẳng.
Thật sự thì Trúc cũng đã có một vài nơi tới ngấm nghé nhưng chẳng đâu vào đâu vì hễ có ai đến là bà Bắc ra tiếp khách thay con. Nhìn ai là bà nhìn từ đâu tới chân, không khác gì mấy bà nái lợn. Hình như chẳng mấy ai lọt mắt bà. Cậu thì bà chê không đáng vì bằng cấp thấp, cậu thì bà chê không "môn đăng hộ đối"......Chính vì thế mà tuy ra trường đã hơn mười năm nay, dược sĩ Tâm Trúc vẫn cứ sáng khuya một mình, trong khi các bạn đồng môn, đồng lớp thì đa số đã tay bồng, tay bế, yên phận.
Trúc không xinh đẹp cho lắm, chính vì thế mà cô yên phận học hành. Tuy không đẹp nhưng cô rất hiền lành, bật thiệp khiến cũng có vài chàng trai để ý tới. Khốn nỗi Trúc không có trọn quyền lựa chọn người yêu cho mình mà hoàn toàn lệ thuộc vào bà mẹ. Đã có lần, Trúc nhận lời mời đi chơi cùng Toàn, một người bạn cùng lớp, nay là giáo viên tiểu học cùng phường.
Khi Toàn tới nơi bấm chuông, bà Bắc từ trong hé hẹp cánh cửa hỏi bằng một giọng rất ư là một mệnh phụ đài trang:
- Ai đó?
- Dạ thưa bác con là Toàn, bạn của Trúc ạ?
- Bạn của Trúc à? Thế mà sao tôi không biết nhỉ?
- Thưa bác chúng con từng học cùng trường, cùng lớp ạ!
- Thôi được vào đi!
Mặc dầu đã nghe tiếng nhưng lần đầu tiên nghe giọng khách sáo, kiêu kỳ và cái cung cách hết sức là thô lỗ của bà Bắc, khiến Toàn cảm thấy nhột nhạt, mất tự nhiên.
Trúc trong phòng nhìn Toàn có vẻ vụng về, khép nép, cô muốn nhảy bổ ra trấn an nhưng lại sợ mẹ không dám.
Toàn chưa kịp ngồi, bà Bắc đã mở lời hỏi:
- Thế cậu học ngành nào và ra trường lâu chưa?
- Thưa bác con học sư phạm.
- Ô nghề sư phạm thì cũng qúy, nhưng cậu dạy ở đâu?
- Dạ thưa con dạy trừơng phường ạ!
- Tốt nghiệp sư phạm mà lại dạy trừơng phường à? hay là........
Bà Bắc tính vào trong lấy nước mời khách thì Toàn trả lời ngay:
- Dạ thưa bác con tốt nghiệp sư phạm tiểu học à!
Nghe thế, bà Bắc qua phắt ra, bỏ ý định lấy nước đãi khách. Bà lại nhìn Toàn từ đầu xuống chân, rồi lại từ chân lên đầu. bà thầm thì: "cái đầu có hói nhưng là hói bệnh chứ không hói trí thức". Rồi bà nói thẳng vào mặt khách:
- Thật không may cho cậu! Con Trúc nhà tôi hôm nay lại phải đi trực bất ngờ. Sở mới gọi đến là cháu nó phải đi ngay. Thôi có gì xin cậu nhắn lại, cháu về tôi sẽ nói lại cháu.
Nghe đến đây, Trúc cảm thấy thân thể mình như mất quân bình, trọng lượng. Cô lả ra trên chiếc trường kỷ và mồ hôi trên thân thể cô chảy ra nhễ nhoại. Cô vịn vào thành trường kỷ, ôm chiếc gối đầu bằng gỗ của bố cô thút thít.
Toàn thì căm giận tới tột cùng vì cái hành động hống hách, chua ngoa và kẻ cả của bà Bắc. Toàn không nghĩ là Trúc đã thất hẹn như thế mà đoan chắc là bà Bắc đã diễn trò gỉa dối như vậy. Tuy tình yêu chưa tới tột đỉnh của yêu đương nhưng cả hai đã thư từ qua lại nhiều lần. Tuy dù chưa hẹn biển thề non nhưng cả hai đã nhiều lần nhớ nhung, thương nhớ và đã cùng nhau dạo bước bến yêu.
Tự ái, phần căm giận về thái độ giả dối, hống hách của bà Bắc. Toàn quay mặt bước đi, chỉ gửi lại lời chào qua loa, trống vắng.
Tiếng xe Honda của Toàn xa gần, thay vào đó là tiếng la thống thiết và gào thét của Trúc. Bà Bắc tuy hống hách, dữ tợn nhưng lại rất thương con. Bà thấy nước mắt, nước rãi của con đầm đìa và da mặt của con xanh mét. Bà chạy lung tung, lùng xục các ngăn kéo để tìm dầu cạo gío cho con. Trúc phất tay ngăn mẹ và cô như muốn lịm đi vì mất hồn, kiệt sức.
Bà Bắc la oái vì lo sợ, bà nhắc điện thoại gọi ông con bác sĩ về gấp. Từ bên kia đầu dây, bác sĩ Văn hỏi mẹ:
- Mà nguyên nhân ra sao, em Trúc lại bị như vậy!
- Mẹ đâu biết gì, tiếp khách vào phòng thì thấy em nó như thế!
- Để con về ngay.
Vừa về đến nhà, Văn chạy thẳng vào phòng em. Thấy anh về, Trúc chồm dậy ôm anh mà than khóc thảm thiết. Cô ú ớ khóc, kể đầu đuôi. Nghe xong, mặt mũi Văn tái xanh, nhợt nhạt rồi anh chạy thẳng ra phòng khách vừa qùy xúông, vừa lạy mẹ:
- Con van mẹ, xin mẹ để cho chúng con yên. Xin mẹ để cho chúng con sống cho ra người!
- Ơ cái anh này! Đã ăn phải bát, phải đũa của ai mà về đây nói năng như thế!
- Xin mẹ đừng can thiệp qúa nhiều vào cuộc sống của chúng con. Chúng con đã lớn, đã trưởng thành cả rồi!
- Anh này nói hay nhỉ! bây giờ bộ anh là bác sĩ rồi về đây dạy mẹ anh hay sao đây?
Bà vừa nói, vừa quác mỏ gọi chồng:
- Ơi ông Phong ơi là ông Phong! Thằng con ông nó đang đe, dạy tôi đây này! Ông cho chúng nó ăn học cho lắm vào để bây giờ nó lên mặt, chửi cha, mắng mẹ......
Thì ra tên ông Bắc là Phong. Ông Phong nghe vợ gọi, vứt vội cái cưa đang cưa, sửa đầu hồi, chạy ngay về phía vợ.
- Bà gọi gì tôi thế?
- Ông có nghe thằng con ông nó đang mắng, chửi tôi kìa?
- Con mình nào dám hỗn như thế?
- Ối giời ới đúng là cá mè một lứa. Chồng ngu mới đẻ con hư. Cha nào con ấy, rõ khổ thân tôi!
Thế là bà Bắc khóc rống lên ăn vạ. Văn và ông Phong vụt chạy đến lạy, van, săn sóc bà. Được thể, bà mắng bảo:
- Chúng mày cứ để tao chết đi! Ham gì mà sống!
- Con lạy mẹ! Xin mẹ hiểu thấu cho lòng chúng con! – Toàn van mẹ như thế.
Trúc thì gượng đứng dậy, cô định ra van, xin mẹ nhưng lại nhớ lại những hình ảnh lúc nãy, cô lại cảm thấy choáng váng, dựa lưng trường kỷ. Ông Phong thì dùng hết sức đễ nâng đỡ vợ dậy và dìu bà vào phòng trong.
Những tiếng la đã im bật, bà Bắc cảm thấy đau xót, chua chát cõi lòng. Bà cảm thấy bà đã hơi qúa đáng khi đối xử với chồng, con như vậy. Bà thoáng hối hận và suy nghĩ vu vơ. Bà bắt đầu rầu buồn khi tính ra thì Văn năm nay đã ngoài 40 và Trúc thì đã tuổi đời 3 con giáp. Vậy mà cả hai vẫn sống đời độc thân. Văn con trai thì không qúa lo nhưng Trúc thì đời con gái chỉ có thời. Thời qua đi thì hết đời. Bà cứ suy nghĩ vẩn vơ rồi bật khóc.
Bà cảm thấy hối hận khi chỉ cho con ăn học mà không cho con trưởng thành, độc lập vào đời. Thậm chí dù con cái đã khôn lớn, đỗ đạt nhưng tất cả mọi việc lớn, nhỏ trong gia đình bà đều độc quyền lo lắng. Ngay cả những đồ lót của cả hai con, bà cũng dành quyền mua sắm. Cũng có lúc bà cảm thấy đời sống con bà không giống ai nhưng cái bản tính kiêu căng, tự phụ đã khiến bà cách, ngăn với người ta, với xã hội bên ngoài như thế.
Bà lần lượt nghĩ lại những nơi đã đến cầu duyên con bà. Bây giờ bà suy lại và tỉnh táo thấy rằng có nhiều nơi rất xứng đáng nhưng chỉ vì kiêu căng, tự phụ mà đâm ra "sôi hỏng, bỏng không", giờ thì những đám đó đâu đã vào đấy, yên bề gia thất.
Bà nghĩ lại Toàn rồi bà thầm thì: "Cậu ấy được chứ! nết na, đạo hạnh". Bà biết Toàn từ ngày cậu ta còn bé, chung trường, chung lớp với con bà. Toàn học giỏi nhưng gia đình nghèo nên phải bỏ dở học hành để vào sư phạm. Nghĩ đến đây, tự nhiên bà ứa nứơc mắt thương con.
Tai bà vẫn nghe tiếng thút thít, hờn oan từ phòng Trúc phát ra. Lòng bà cay đắng đến tận cùng, bà cũng nức nở theo con. Bà định vào phòng con an ủi nhưng bà vẫn không dằn được cái cõi lòng hống hách tự đắc nên quay ra gọi chồng:
- Ông Phong ơi! Vào đây tôi bảo!
Biết vợ còn đang trong cơn hung hãn tận cùng, ông Phong bỏ dở công việc chạy ngay vào phía vợ
- Bà gọi gì tôi?
- Ông phải vào trong coi con trúc làm sao chứ?
Tiếng máy xe Honda quen thuộc nổ xa ngoài ngõ. Bà Bắc nghe giống giống như tiếng xe lúc nãy của cậu Toàn. Bà đoan chắc cậu ấy sẽ trở lại. Bà chạy tuột vô phòng con bà, vực Trúc dậy:
- Dậy đi con, cậu Toàn trở lại kia kìa!
- Trở lại để làm gì? Thôi mẹ để con yên!
- Dậy mà rửa mặt, sửa soạn đi con. Cậu ấy sắp tới kìa.
Tiếng xe mỗi lúc một gần hơn, lòng bà Bắc hớn hở vui mừng. Bà vừa chạy vào trong lấy khăn lau mặt cho con, vừa thầm nghĩ những câu ngọt ngào tiếp khách.
Trúc thì uất nghẹn và thổn thức mạnh hơn. Cô biết rõ không bào giờ Toàn trở lại, sau khi bị mẹ cô xỉ vả nặng lời như thế. Trong khi bà Bắc cứ qúat nháo lên: "Dậy đi con! Dậy đi con! Cậu ấy sắp tới kìa!".
Tiếng xe mỗi lúc một gần hơn, bà Bắc hớn hở vui mừng mở toang cửa rồi chạy vội vào trong lấy bình nước nóng để pha trà. Bà thoăn thoắt chạy qua, chạy lại, miệng bà thì cứ lẩm bẩm trong hân hoan, vui mừng: "cậu ấy đang tới kìa!"
Bà Bắc bỗng giật phắt mình trước tiếng thắng kít của chiếc xe Honda. Người lái xe chạy vội vô cửa hỏi to:
- Cô Nguyễn Thị Tâm Trúc có nhà không?
Bà Bắc nhìn ra, lòng bà trùng xuống, bà muốn té nhào vô thành cửa khi nhận ra người ấy không phải là cậu Toàn mà lại là ông lão phát thư, có lớp da khô cằn và đen thui như cột nhà cháy.
Bên trong tiếng thút thít của Trúc mỗi lúc một to, mạnh hơn, mang một nỗi sầu buồn, ảo não.
Hoàng Ngọc Lễ
(10.10.2003)
Đăng nhận xét