Chàng sinh viên y khoa Richard Brakemon đã chuyển đến phòng số bảy tại khách sạn nhỏ "Stevence" ở số sáu phố Alfred Stevence sau khi liên tiếp vào ba ngày thứ Sáu trước tại chính căn phòng đó có ba người treo cổ tự tử trên cái xà ngang cửa sổ.
spider
Vụ tự tử thứ hai trong căn phòng này không khác lắm với vụ thứ nhất. Nghệ sĩ Krauze vốn biểu diễn các trò ảo thuật tung hứng trên xe đạp cho một rạp xiếc và tiết mục ảo thuật của anh rất ăn khách, anh ta cũng chuyển tới phòng số bảy hai ngày sau đó. Vì anh ta không tới rạp xiếc vào ngày thứ Sáu sau đó nên ông giám đốc cử một nhân viên soát vé và xếp chỗ đến gọi anh ta. Ông nhân viên đã thấy nhà nghệ sĩ ảo thuật chết treo dưới cái xà ngang cửa sổ trong căn phòng số bảy không khóa: đúng như cái khung cảnh mà vị khách trọ đầu tiên đã chết. Vụ tự vẫn này chẳng kém bí ẩn hơn vụ đầu. Nhà nghệ sĩ rất được công chúng ái mộ này được trả lương rất cao, anh mới chỉ hai mươi lăm tuổi và đã nếm đủ mọi niềm vui sướng của cuộc đời. Và người quá cố cũng chẳng để lại một dòng thư tuyệt mệnh cũng như bất kỳ lý do gì giải thích hành vi của mình. Sau cái chết của mình anh không còn ai thân thích, trừ bà mẹ mà cứ ngày đầu tiên hàng tháng cậu con trai đều cẩn thận gửi hai trăm mark về chu cấp cho bà.
Đối với bà Dubonnais, nữ chủ nhân khách sạn này, nơi rất hãn hữu có khách hàng là người thuộc đám nghệ sĩ của các nhà hát tạp kỹ ở khu Monmartre kế cận, thì vụ tự sát bí ẩn thứ nhì kia quả đã có những hậu quả thật tồi tệ. Một số khách trọ đã rời khách sạn. Còn những khách hàng thường xuyên khác của bà thôi không còn ghé lại đây nữa. Bà liền tới hỏi ý kiến và lời khuyên của ông bạn thân, ngài chánh cẩm khu vực chín, ông này hứa với bà là sẽ làm tất cả những gì thuộc thẩm quyền mình. Và trên thực tế, ông ta không chỉ bắt tay điều tra nguyên do tự vẫn của hai vị khách trọ một cách mẫn cán, nhiệt tâm mà còn tìm được cho bà ta một khách trọ mới cho căn phòng bí ẩn kia.
Charles Maria Cheaumie phục vụ ở cục cảnh sát và tình nguyện đồng ý đến ở phòng số bảy, ông ta từng là một con sói biển già đời đã tòng ngũ thủy quân mười một năm ở hạm đội. Khi ông ta còn mang hàm trung sĩ thì đã ngược xuôi tới vùng Bắc kỳ và Trung kỳ Việt Nam nhiều lần, từng một mình đứng gác trên vọng gác nhiều đêm ròng và nhiều lần chơi cho bọn cướp biển hàng tràng đạn liên thanh khi chúng mang cờ vàng mon mem đến gần chòi gác trong bóng tối mịt mùng. Bởi thế nên người ta có cảm giác ông ta sinh ra trên đời để saÜn sàng đón gặp "những bóng ma" mà bây giờ đã làm cho dãy phố Alfred Stevence trở nên khét tiếng. Ông Cheaumie dọn vào phòng ở chiều tối Chủ nhật và sau khi ngủ ngon lành, thầm cảm ơn bà chủ khách sạn Dubonnais đã khoản đãi bữa ăn tối thật ngon và thịnh soạn.
Hàng ngày vào buổi sáng và buổi chiều tối Cheaumie phải đến gặp chánh cẩm để báo cáo ngắn gọn về mọi sự. Mấy ngày đầu những báo cáo ấy chỉ giới hạn ở lời thông báo rằng tất cả đếu ổn thỏa và ông không hề thấy gì hết. Song vào chiều tối thứ Tư thì ông ta cho biết bắt đầu dò được những dấu vết nào đó. Với yêu cầu của ngài chánh cẩm cần trìng bày rõ hơn thì ông ta chối từ và nói thêm rằng hiện thời ông ta chưa tin chắc kiệu sự phát hiện đó có mối liên hệ nào với hai vụ tự tử trong căn phòng này hay không. Vả lại ông cũng bảo rằng ông sợ trở nên lố bịch, buồn cười và rằng ông ta sẽ kể tỉ mỉ hơn khi có đủ tự tin. Ngày thứ Năm ông ta xử sự kém tự tin hơn và đồng thời có vẻ nghiêm trọng hơn, nhưng ông ta chẳng kể ra điều gì mới mẻ cả. Vào sáng thứ Sáu ông có vẻ bị kích động mạnh, ông ta nói nửa đùa nửa thật rằng dù thế nào đi nữa thì cái cửa sổ đó thực sự có một sức thu hút kỳ lạ nào đó. Song ông Cheaumie khẳng định điều này tuyệt nhiên không có mối liên hệ gì đến việc tự sát và chắc người ta sẽ chế nhạo ông nếu ông nói thêm điều gì đó vào những gì đã kể. Buổi chiều hôm ấy ông không đến đồn cảnh sát nữa: người ta thấy ông chết treo cổ ở thanh xà ngang cửa sổ trong căn phòng đã ở.
Lần này thì cảnh huống tự tử cũng hệt như hai vụ trước đến từng chi tiết nhỏ: hai chân kẻ thắt cổ chạm sàn nhà, thay vì dây thừng thì một sợi dây lấy từ rèm cửa được dùng để tự vẫn. Cửa sổ mở, cửa ra vào không khóa; cái chết đến vào lúc sáu giờ chiều. Mồm kẻ chết treo cứ há hốc, lưỡi thè lè ra ngoài.
Hậu quả của vụ chết người thứ ba ở trong căn phòng số bảy là vào hôm ấy, tất cả các khách trọ của khách sạn "Stevence" đã ra đi; ngoại trừ một ông giáo người Đức ở phòng số mười sáu, song việc ở lại này có lý do của nó: ông ta lợi dụng việc này để giảm được tiền thuê phòng xuống một phần ba: một sự an ủi quá nhỏ nhoi cho bà Dubonnais là việc ngày hôm sau cô Mari Garder, minh tinh nhà hát Opera Comique đã đi một cỗ xe ngựa rất sang trọng đến gặp bà và trả hai trăm frăng để mua sợi dây màu mà kẻ xấu số đã dùng để treo cổ tự vẫn. Cô ấy làm như vậy là vì cái vật đó sẽ mang lại hạnh phúc và hơn nữa, người ta sẽ viết về việc này trên báo chí.
Nếu việc nói trên lại xảy ra ngay vào mùa hè, tháng Bảy hay tháng Tám chẳng hạn thì bà Dubonnais chắc sẽ nhận được số tiền bán nhượng sợi dây kia gấp ba lần vì lúc đó báo chí có thể dành trọn cả một tuần viết kín các cột báo về chủ đề này. Nhưng vào giữa mùa chính trị sôi nổi này thì báo chí còn vướng bận biết bao đề tài: nào bầu cử, nào các sự kiện ở Marốc, ở Ba Tư, nhà văn vỡ nợ tại New York, rồi ba vụ án chính trị, và thực tế báo chí không còn chổ để đăng tải sự vụ kia nữa. Kết quả là biến cố trên phố Alfred Stevence thu hút ít sự chú ý hơn là nó đang có. Nhà đương cục đến lập biên bản ngắn ngủi, và chỉ có thế là vụ án kết thúc.
Chàng sinh viên y khoa Richard Brakemon chỉ biết có biên bản đó thôi khi quyết định thuê cho mình căn phòng ấy. Chàng hoàn toàn chẳng biết một yếu tố, một chi tiết nhỏ, vả lại chi tiết đó lại nhỏ nhoi và tầm thường đến nỗi ngài chánh cẩm và chẳng ai trong số những nhân chứng thấy cần thiết phải thông báo cho các phóng viên biết đến. Chỉ mãi sau này, sau khi câu chuyện kỳ lạ xảy ra với chàng sinh viên, người ta mới sực nhớ đến sự việc bé nhỏ ấy. Sự thể là khi các nhân viên cảnh sát gỡ viên trung sĩ Charles Maria Cheaumie ra khỏi cái thòng lọng oan nghiệt thì một con nhện đen to kình bò từ mồm ông ta ra. Người hầu phòng lấy ngón tay búng con nhện và thốt lên:
- Quỷ tha ma bắt, lại cái con côn trùng độc địa này.
Sau đó trong thời gian điều tra vụ việc liên quan đến Brakemon, anh ta thông báo rằng khi lôi xác người chào hàng Thụy Sỹ kia ra khỏi sợi dây thắt cổ thì đúng con nhện này đã bò từ vai ông ta xuống. Nhưng Richard Brakemon không hề biết việc đó.
Chàng đã dọn tới ở phòng số bảy hai tuần sau vụ treo cổ tự tử thứ ba, ấy là vào ngày Chủ nhật. Chàng ghi vào nhật ký tất cả những gì đã nếm trải trong căn phòng ấy.
Nhật Ký Của Richard Brakemon, Chàng Sinh Viên Y Khoa.
Thứ Hai, ngày Hai mươi tám tháng Hai.
Mình bắt đầu ở căn phòng này ngày hôm qua. Sau khi mở hai gói đồ mình bỏ các đồ đạc ra và sau đó đi nằm nghỉ. Mình ngủ thật ngon, đồng hồ điểm chín giờ khi có tiếng gõ cửa đánh thức mình dậy. Đó là bà chủ mang bữa ăn sáng lên cho mình. Bà ấy đặc biệt quan tâm đến mình, điều đó được thấy rõ theo món trứng, món giăm bông và ly cà phê tuyệt ngon mà bà đích thân mang vào phòng. Mình rửa mặt và mặc quần áo, rồi sau đó bắt đầu quan sát xem người hầu phòng dọn dẹp phòng mình thế nào. Đồng thời mình châm tẩu.
Thế là mình đã ở đây rồi. Mình hiểu rõ là mình đã can dự vào một trò chơi nguy hiểm, nhưng cùng lúc ấy mình nhận thức được rằng sẽ đạt được nhiều điều nếu lần ra được dấu vết đích thực. Nếu như trước đây Paris thật dễ sống, giờ đây để tồn tại ở Paris ấy đâu có rẻ như trước, thì mình bất luận thế nào cũng có thể đặt cược cái cuộc đời chẳng lâu dài gì của mình. Nhưng chính ở đây có một cơ hội: thật là tuyệt, mình sẽ thử vận may của mình.
Tuy nhiên cả những người khác cũng muốn được thử vận may. Không ít hơn hai mươi bảy người, một số tới cơ quan cảnh sát, một số khác tới thẳng chỗ bà chủ để yêu cầu được ở căn phòng đó. Trong số những kẻ kỳ vọng có cả ba phụ nữ. Như vậy chẳng thiếu người trong cuộc cạnh tranh này: có lẽ tất thảy mọi người đó cũng nghèo kiết như mình.
Nhưng mình "đã được cuộc". Vì sao nhỉ? Chà, có lẽ, mình là người duy nhất đã phỉnh được cảnh sát nhờ một "ý tưởng". Còn phải nói, ý tưởng ấy quả là hay! Tất nhiên, đó chẳng gì khác hơn một tin vịt mà thôi.
Chính những lời tường trình ấy là được dành cho cảnh sát, và bởi thế nên giờ đây mình khoái trá muốn nói với các ngài ấy rằng mình đã khéo phỉnh phờ được họ. Nếu ngài chánh cẩm là một con người khôn ngoan thì ông ta sẽ nói: "Hừm, chính vì thế mà tay Brakemon ấy là người thích hợp hơn cả".
Tuy vậy mình cũng thờ ơ, chẳng xao động gì nếu sau này ông ta có nói như thế. Giờ đây, dù thế nào đi chăng nữa, mình đã ngồi đây rồi. Và mình cho cái việc mình xỏ mũi được các đức ông ấy là một điềm tốt đẹp.
Mình bắt đầu từ việc đến gặp bà Dubonnais, nhưng bà đẩy mình lại cơ quan cảnh sát. Suốt một tuần mình lui tới đó và hàng ngày chỉ nhận được độc một câu trả lời rằng đề nghị của mình đã "được nhận để cứu xét" và rằng mình phải đến vào ngày mai. Phần lớn những kẻ tranh đua với mình đã nhanh chóng lùi bước, rất có thể là họ muốn làm việc gì đó khác hơn là cứ ngồi trong cơ quan cảnh sát ngột ngạt để chờ đợi hàng giờ liền. Còn đối với mình thì có lẽ sự kiên trì của mình đã khiến thậm chí ngài chánh cẩm không thể Énhẫn nại hơn được nữa. Cuối cùng ông ta tuyên bố với mình một cách kiên quyết để mình không còn tới đó nữa, vì việc này sẽ chẳng dẫn đến kết quả gì hết. Ông ta bảo là rất cảm ơn mình cũng như cảm ơn mọi người khác do thiện ý của mình, nhưng những "lực lượng tài tử, không chuyên nghiệp" không hề cần thiết cho công việc này. Nếu như mình chẳng hề có một kế hoạch hành động được soạn thảo kỹ lưỡng thì sẽ chẳng ăn nhằm gì hết...
Mình đã bảo ông ta rằng có một kế hoạch hành động. Lẽ đương nhiên mình đã chẳng có kế hoạch nào sất và mình không thể nói cho ông ta hay dù chỉ một lời về cái kế hoạch ấy. Nhưng mình đã tuyên bố với ông ta rằng mình sẽ công bố kế hoạch của mình, một kế hoạch rất hay, nhưng rất nguy hiểm, có thể đem lại các kết quả mà hoạt dộng của các viên cảnh sát nhà nghề vẫn dẫn tới, chỉ trong trường hợp nếu ông ta hứa với mình rằng sẽ đích thân nhận thực hiện kế hoạch đó. Nhờ có thế mà ông ta hết lòng cảm ơn mình và bảo ông ta có chút thì giờ nào để soạn ra được một kế hoạch như thế. Nhưng ở đây mình đã nhận thấy là có chỗ dựa, hơn thế nữa, ông ta hỏi liệu mình có thể tiết lộ kế hoạch đó cho ông ta biết hay không.
Mình đã làm điều đó. Mình kể cho ông ta nghe một thứ huyễn hoặc vô cùng mà trước đó một giây mình chẳng có một chút khái niệm nào hết, tự mình cũng chẳng hay điều đó xuất hiện từ đâu mà lọt vào đầu mình. Mình bảo ông ta rằng trong mọi thời khắc của một tuần thì nổi bật lên một giờ có ảnh hưởng thần bí, kỳ lạ nào đó đến con người ta. Ấy là giờ chúa Kitô biến khỏi ngôi mộ của Người để xuống địa ngục, tức là giờ thứ sáu buổi chiều ngày cuối cùng của tuần lễ theo lịch Do Thái. Mình cũng nhắc ông ấy rằng chính vào giờ đó, thứ Sáu, giữa năm và sáu giờ đã xảy ra ba vụ tự sát. Mình không thể nói gì hơn nữa với ông ta, mình nhắc ông ta như thế, nhưng sau đó có đề nghị ông ấy chú ý đến Mặc Khải của thánh Giăng.
Ngài chánh cẩm nhíu mày tựa hồ như đã hiểu được điều gì đó, ông ta cảm ơn mình và đề nghị đến buổi chiều lại đến nữa. Mình vốn là người chính xác về giờ giấc nên đã đến đúng giờ hẹn tại văn phòng ông ta. Trước mắt ngài cẩm ở trên bàn có cuốn Kinh Tân Ước. Vào thời gian xảy ra chuyện ấy mình cũng có phần khảo cứu tương tự: mình đã đọc hết sách Khải Huyền và chẳng hiểu lời nào trong đó cả. Rất có thể ngài chánh cẩm thông thái hơn mình, bất luận thế nào thì ông ta cũng rất nhã nhặn tuyên bố rằng bất chấp sự ngụ ý tối nghĩa của mình thì ông ta cũng đoán định được kế hoạch mình đưa ra. Sau đó ông ta bảo là saÜn sàng ủng hộ ý muốn của mình và trợ giúp mình ở mức có thể được.
Phải thừa nhận rằng ông ta cực kỳ ân cần, cởi mở với mình. Ông ta đã ký kết với bà chủ khách sạn một điều kiện mà theo đó bà ta có bổn phận chăm nưôi mình hoàn toàn trong khách sạn. Ngài chánh cẩm cũng giao cho mình khẩu súng lục rất nhạy và một chiếc còi cảnh sát; các viên cảnh sát trực ban được lệnh phải thường xuyên hơn nữa đi tuần phòng dọc con phố nhỏ Alfred Stevence và saÜn sáng tới chỗ mình ngay khi có một dấu hiệu mình đưa ra. Nhưng quan trọng hơn hết là việc ngài đã đặt trong phòng mình một chiếc điện thoại để bàn, tạo cho mình điều kiện có thể luôn luôn liên lạc được với đồn cảnh sát. Đồn cảnh sát cách đây cả thảy có bốn phút đi bộ, và bởi thế mình sẽ được trợ giúp rất nhanh nếu có xảy ra chuyện gì khẩn trương. Sau khi lưu ý đến tất cả những lẻ nói trên thì mình không thể hình dung mình sợ cái gì cơ chứ.
Thứ Ba, ngày mồng Một tháng Ba.
Cả hôm qua lẫn hôm nay chẳng có chuyện gì xảy ra. Bà Dubonnais đã đem đến một sợi dây mới để lồng rèm cửa lấy từ phòng bên cạnh, vì giờ đây trong khách sạn này phần lớn phòng là trống vắng. Nói chung, bà tận dụng bất cứ dịp nào đến chỗ mình, và mỗi lần ấy bà đếu đem một cái gì đó tới. Mình đề nghị bà kể lại một lần nữa cho mình nghe toàn bộ chi tiết về những gì đã xảy ra trong căn phòng mình đang ở, song mình chẳng biết thêm điều gì mới nữa cả. Bà ta có một ý kiến độc đáo riêng về nguyên nhân các vụ tự sát. Đối với nhà nghệ sĩ thì bà nghĩ rằng ở đây có dính líu đến một cuộc tình bất hạnh: trước vụ việc đó một năm thì anh này cũng đã từng sống ở đây và có một thiếu phụ trẻ thường ghé thăm anh ta, nhưng lần này thì chẳng thấy bóng dáng cô ta đâu nữa. Còn về ông người Thụy Sỹ thì bà ta không rõ điều gì đã buộc ông ta đi đến một quyết định chết người đến thế, nhưng làm sao mà hiểu hết lòng người? Chà, còn ông trung sĩ thì chẳng nghi ngờ gì nữa, ông ta tự tử chỉ là để chọc tức cô gái ấy mà thôi.
Phải nói rằng những lời giải thích của bà Dubonnais mang cái nét nông cạn nào đấy, nhưng mình cứ để bà ta thả sức nói dông nói dài vì dẫu sao điều đó cũng khiến mình được giải trí.
Thứ Năm, ngày mồng Ba tháng Ba.
Vẫn chưa có điều gì mới. Ngài chánh cẩm gọi điện cho mình chừng hai lần một ngày, mình đáp lại rằng mình thấy rất khỏe, có lẽ lời báo cáo ấy không hoàn toàn làm ông ta thấy thỏa mãn. Mình lấy các cuốn sách y học ra và bắt đầu nghiên cứu, như vậy sự giam hãm tự nguyện sẽ mang lại cho mình ít ra một lợi ích nào đó chứ.
Thứ Sáu, ngày mồng Bốn tháng Ba, hai giờ chiều.
Mình ăn trưa thật ngon miệng: bà chủ đã đãi mình một nửa chai sâm banh cho bữa trưa. Đó quả là nữa ăn thịnh soạn đích thực dành cho kẻ tử tội. Bà ấy nhìn mình tựa hồ mình đã chết đến ba phần tư rồi. Khi rời phòng, nước mắt lưng tròng, bà ấy đề nghị mình đi theo ra cùng: có lẽ bà ấy sợ mình cũng sẽ treo cổ tự vẫn "để chọc tức cô ấy".
Mình cẩn thận xem xét cái dây mới treo rèm cửa. Như thế có nghĩa là bây giờ mình phải thắt cổ bằng nó chăng? Hừm, mình có quá ít mong muốn để làm việc đó. Hơn nữa, cái dây này cứng quèo và thô nhám khó mà buộc thành thòng lọng được; cần phải có một ham muốn lớm lao để mà theo gương ba kẻ xấu số kia. Giớ mình ngồi bên bàn, bên trái là cái điện thoại, bên phải có khẩu súng lục. Mình không hề cảm thấy dù chút ít hoảng sợ, nhưng trong thân tâm có sự tò mò.
Sáu giờ chiều.
Chẳng gì xảy ra cả, suýt chút nữa mình nói: thật tiếc! Cái giờ độc địa chết chóc ấy đã đến và đã qua, và nó hoàn toàn giống như các thời khắc khác mà thôi. Tất nhiên mình sẽ không phủ định rằng có những khoảnh khắc mình cảm thấy một nỗi ham muốn không gì chế ngự nổi được lại gần cửa sổ, quả đúng như vậy, nhưng mà hoàn toàn vì những động cơ khác! Ngài chánh cẩm đã gọi điện dễ đến mười lần vào khoảng giữa năm giờ và sáu giờ, ông ta cũng tỏ vẻ sốt ruột như chính mình vậy. Nhưng đối với bà Dubonnais thì bà ta thấy hài lòng: qua suốt một tuần rồi mà tay khách trọ ở phòng số bảy vẫn không treo cổ tự vẫn. Thật không tin được!
Thứ Hai, ngày mồng Bảy tháng Ba.
Mình bắt đầu tin rằng sẽ chẳng phát hiện ra điều gì hết và mình có khuynh hướng nghĩ về việc tự tử của ba người trước đây ở căn phòng này là một sự ngẫu nhiên đơn giản. Mình đã yêu cầu ông cẩm thông báo lần nữa toàn bộ các chi tiết của ba vụ tự sát, bởi vì mình thấy rõ là nếu thâm nhập kỹ vào toàn bộ các cảnh huống thì cuối cùng có thể đối mặt với nguyên nhân thực sự. Còn đối với mình thì mình sẽ ở đây lâu chừng nào có thể tùy theo sự việc. Tất nhiên mình không biết Paris, nhưng mình ở đây không mất tiền và được cấp dưỡng rất tốt. Cần phải nói thêm là mình học nhiều, tự cảm thấy rất hài lòng với việc học tập. Và cuối cùng còn có một nguyên nhân níu giữ mình ở đây nữa.
Thứ Tư, ngày mồng Chín tháng Ba.
Như vậy, mình đã tiến thêm một bước. Nàng Clarimoda. Chà, chính mình còn chưa kể gì về nàng Clarimoda cả. Thế là, nàng là "nguyên nhân thứ ba" của mình mà vì đó mình muốn ở lại đây, và vì nàng mà mình đã muốn lại chỗ cửa sổ vào cái giờ "tai ương" ấy, song tuyệt nhiên không phải là để treo cổ. Clarimoda, nhưng vì sao mình lại gọi nàng như vậy? Mình không có một khái niệm nào dù nhỏ bé nhất về tên gọi của nàng, nhưng vì sao lúc đó ở nơi mình bỗng xuất hiện ý muốn gọi nàng là Clarimoda. Và mình saÜn sàng đánh cuộc rằng chính tên nàng là như thế nếu như khi nào có dịp hỏi tên nàng.
Mình đã nhận ra Clarimoda vào ngày đầu tiên. Nàng sống ở phía bên kia của con phố rất hẹp mà khách sạn nơi mình ở nằm tại đó: cửa sổ nhà nàng ở đối diện đúng cửa sổ phòng mình. Nàng ngồi sau tấm rèm bên cửa sổ. Tiện đây cần nói rằng nàng bắt đầu nhìn mình trước khi mình nhàn nàng, rõ ràng là nàng quan tâm đến mình. Ở đây chẳng có gì đáng ngạc nhiên, cả phố biết vì sao mình ở đây, bà Dubonnais đã săn sóc cho việc mình cư ngụ nơi bà.
Cam đoan rằng mình không thuộc số những người rất đa tình, mình luôn thận trọng trong những mối quan hệ với phụ nữ. Khi mà người ta từ tỉnh lẻ tới Paris để học nghề y khoa và túi tiền vơi cạn thậm chí cũng không đủ để ít ra được ăn no một lần trong ba ngày thì đâu còn dám nghĩ tới tình yêu. Như vậy, mình không nổi trội về kinh nghiệm ái tình và lần này, có lẽ, mình đã xử sự thật quá ngốc nghếch. Dù thế nào đi nữa thì nàng khiến mình bởi vì nàng đúng là con người như thế. Lúc đầu mình đâu có dám nghĩ đến việc gây dựng quan hệ với cô nàng hàng xóm sống đối diện phòng mình. Mình quyết định là sống ở đây chỉ để tiến hành các quan sát; nhưng nếu là như vậy thì dù mình có muốn thì ở đây cũng chẳng có gì mà làm, thế cho nên mình liền bắt đầu quan sát cô hàng xóm. Người ta không thể nào mà cứ suốt ngày cắm cúi đọc sách chẳng dứt ra để ngẩng đầu lên. Hơn nữa, mình đã nói là có lẽ Clarimoda sống một mình trong căn phòng nhỏ ấy. Phòng có ba cửa sổ, nhưng nàng luôn luôn ngồi bên cánh cửa sổ đối diện cửa sổ phòng mình, nàng ngồi và kéo sợi nên cái xa quay sợi cổ xưa xinh xinh. Mình đã từng được thấy một cái xa quay sợi như thế ở nhà bà mình, nhưng bà không bao giờ sử dụng nó mà giữ gìn nó như một hoài niệm về một người thân nào đó của bà đã đi xa; thậm chí mình còn không biết là thời nay người ta dùng những cái xa quay sợi như thế. Cần nói thêm là cái xa quay sợi của Clarimoda nhỏ xinh và duyên dáng, màu cái xa ấy trắng hết và có lẽ nó được làm bằng ngà voi; có thể nàng xe những sợi chỉ cực thanh mảnh bằng cái xa quay sợi ấy. Nàng ngồi sau rèm cửa suốt ngày và làm việc không nghỉ, nàng chỉ ngừng việc khi trời đổ tối. Dĩ nhiên vào những ngày trời ảm đạm này thì ở trên phố mình ở chóng tối lắm, vào lúc năm giờ chiều là đã nhập nhoạng rồi. Nhưng chẳng bao giờ mình nhìn thấy ánh sáng đèn trong phòng nàng cả.
Vẻ ngoài của nàng thế nào nhỉ? Điều đó thì mình chẳng biết rõ ràng. Mái tóc đen của nàng vồng lên như sóng, còn khuôn mặt nàng nom rất xanh xao. Mũi nàng hẹp và nhỏ với đôi cánh mũi phập phồng, đôi môi nàng cũng lợt lạt và mình có cảm giác hàm răng nhỏ của nàng sắc như răng dã thú. trên đôi mí mắt có những vết quầng thâm, nhưng khi nàng ngước mắt nhìn lên thì cặp mắt to đen thẫm của nàng long lanh. Song mình cảm nhận tất cả những vẻ ấy có lẽ nhiều hơn là thực tế. Vì thực khó mà nhận ra cái gì đó rành rẽ sau tấm rèm buông.
Có một chi tiết. Nàng luôn luôn vận chiếc áo váy màu đen cao cổ có những chấm hạt đỗ màu tím nhạt. Nàng lúc nào cũng mang đôi găng tay dài màu đen, có thể nàng làm vậy do sợ hỏng đôi bàn tay vì công việc. Những ngón tay thanh mảnh và dài ấy thoăn thoắt lựa các sợi chỉ và kéo căng chúng gợi lên nơi mình một ấn tượng lạ lùng: nom chúng hệt như những con côn trùng nào đó có những cái cẳng dài.
Còn quan hệ giữa chúng mình với nhau thì sao đây? Phải thừa nhận rằng hiện thời những quan hệ ấy rất hời hợt, nhưng dẫu sao mình vẫn cảm thấy trên thực tế chúng sâu sắc hơn rất nhiều. Mọi sự bắt đầu từ việc nàng nhìn sang cửa sổ phòng mình và mình nhìn sang cửa sổ phòng nàng. Và có lẽ mình được nàng thích bởi vì có một đôi lần khi mình đi lại nhìn nàng thì nàng mỉm cười với mình, và tất nhiên mình mỉm cười đáp lại. Vậy là suốt hai ngày bọn mình mỉm cười với nhau nhiều hơn. Sau đó gần như cứ một tiếng mình lại quyết định cúi chào nàng, nhưng mỗi lần định như thế thì, một tình cảm vô thức nào đó lại bảo mình chớ có làm.
Cuối cùng thì mình cũng quyết định thực hiện ý định này: hôm nay sau bữa ăn trưa. Và Clarimoda đã đáp lại cái cúi chào của mình. Tất nhiên khó nhìn thấy vẻ gật đầu của nàng nhưng dù sao mình cũng nhìn thấy điều đó thật rõ.
Thứ Năm, ngày Mười tháng Ba.
Hôm qua mình đã ngồi lâu với đống sách vở. Mình không thể nói rằng mình đã học thật chuyên tâm. Không, mình đã xây những lâu đài cát và ước mơ về Clarimoda. Mình ngủ không yên giấc, nhưng mình đã ngủ quá giấc đến gần trưa.
Khi mình đến gần cửa sổ thì mình nom thấy Clarimoda. Mình chào nàng và nàng gật đầu đáp lại. Nàng mỉm cười và nhìn mình hồi lâu không rời mắt.
Mình muốn học, nhưng mình không thể tìm được sự yên tĩnh trong tâm. Mình ngồi bên cửa sổ và bắt đầu ngắm nàng. Lập tức mình thấy nàng cũng đặt hai bàn tay lên đầu gối. Mình bèn giật sợi dây để kéo tấm rèm sang bên. Nàng cũng làm y hệt như thế hầu như cùng một khoảnh khắc. Cả hai bọn mình đều cười và nhìn nhau.
Mình mường tượng cả hai ngồi như thế suốt cả một giờ.
Sau đó lại bắt tay vào việc xe chỉ của mình.
Thứ Bảy, ngày Mười hai tháng Ba.
Thời gian trôi nhanh quá. Mình ăn, uống và ngồi bên bàn viết. Hút xong một điếu tẩu, mình cắm cúi đọc sách. nhưng mình chẳng đọc được một dòng nào hết. Mình cố gắng tập trung, nhưng mình đã biết trước rằng việc đó chẳng dẫn đến đâu cả. Sau đó mình tiến lại cửa sổ. Mình gật đầu, Clarimoda đáp lại. Bọn mình mỉm cười với nhau không rời mắt suốt hàng giờ.
Hôm qua vào lúc sáu giờ chiều có một cảm giác lo âu choáng ngợp lấy mình. Trời đổ tối rất sớm và mình cảm thấy ghê sợ thế nào ấy. Mình ngối bên chiếc bàn viết và chờ đợi. Mình cảm thấy có một sức mạnh nào đó không thể cưỡng nổi hút mình lại cửa sổ, tất nhiên, mình không có ý định treo sổ đâu mà chỉ đơn thuần muốn nhìn Clarimoda. Cuối cùng mình nhảy ra khỏi ghế và nấp mình sau tấm rèm. Mình có cảm giác chưa bao giờ lại nhìn thấy nàng rõ ràng đến thế mặc dù trời đã khá tối rồi. Nàng vẫn đang xe sợi nhưng đôi mắt nàng đã hướng về mình. Cảm giác hạnh phúc tràn ngập trong lòng mình, nhưng đồng thời mình nếm trải một nỗi khiếp sợ mơ hồ.
Tiếng chuông điện thoại reo vang. Mình nổi cáu với lão chánh cẩm khó chịu này, người ta đã cắt đứt dòng suy tưởng của mình khỏi những phút mộng ảo kia bằng những câu hỏi xuẩn ngốc liên miên.
Sáng nay ông ta cùng bà Dubonnais đến phòng mình. Bà chủ rất hài lòng với mình, bà ta thấy hoàn toàn vui vẻ với việc mình đã sống hai tuần trong phòng số bảy. Song ngài chánh cẩm đòi hỏi có những kết quả cụ thể. Mình đã nói với ông ấy một số ngụ ý bí ẩn về việc mình đã lần ra một dấu vết rất lạ lùng và con lừa đó đã tin mình. Bất luận thế nào thì mình cũng sẽ còn sống ở đây lâu, và đấy chính là điều mong muốn duy nhất của mình. Nhưng mình mong ở đây không phải vì những món ăn và cái hầm rượu của bà Dubonnais, lạy Chúa, mình mau chóng trở nên thơ ơ tất cả những điều đó khi mà hàng ngày được ăn được uống đến no nê. Cái lý do chính chỉ là vì cái cửa sổ mà bà ta ghét cay ghét đắng và sợ hãi, nhưng mình lại yêu quý vì từ đó mình thấy được Clarimoda. Khi bật đèn phòng mình thì mình không còn nhìn thấy nàng nữa. Mình căng mắt để xem liệu nàng có ra khỏi nhà không, nhưng chưa bao giờ mình nom thấy nàng ngoài phố cả. Mình có một cái ghế bành tiện lợi và êm ái cùng một cái chao màu xanh là cây che ngọn đèn, và cái đèn ấy tỏa cho mình sự âm áp và tiện nghi. Ngài chánh cẩm đã mang cho mình một gói thuốc hút, chưa bao giờ mình được hút loại thuốc ngon như thế... Tuy nhiên mình cũng không thể học hành được cho dù có tất cả những thứ đó. Mình tự bắt mình phải đọc hết hai hay ba trang, nhưng sau đó trong đầu mình xuất hiện một ý nghĩ cho thấy mình chẳng hiểu chữ nào trong số những điều vừa đọc. Mắt mình ghi nhận các con chữ nhưng đầu óc mình chối bỏ tư duy. Thật lạ lùng! Cứ như trong đầu mình đã treo tấm khẩu hiệu: "Cấm vào" vậy. Cứ như trong đầu chỉ cho phép vào độc một ý nghĩ: Clarimoda.
Chủ nhật, ngày Mười ba tháng Ba.
Sáng hôm nay mình nhìn thấy một cảnh tượng nhỏ. Mình đi đi lại lại ngoài hành lang khi người hầu phòng đang dọn dẹp phòng mình. Trên khuôn cửa sổ bé trông ra sân có một cái mạng nhện, con nhện vườn béo mẫm đang ở giữa mạng. Bà Dubonnais không cho phép quét bỏ đi vì giống nhện mang vận may mắn tới, và nếu trong nhà không có nhện thì sẽ gặp điều kia xuôi xuống theo một sợi tơ, nhưng người yêu của nó giờ đây cũng làm theo cách đó. Cả hai con nhện rơi xuống bệ cửa sổ; con đực gắng hết sức bình sinh để thoát khỏi sự tróc nã. Nhưng muộn mất rồi, bạn tình của nó đã dùng những cặp cẳng mạnh khỏe quặp chặt lấy nó và kéo nó về giữa tấm mạng. Đó chính là nơi vừa mới hoan lạc của chúng, giờ trở thành nơi xử trảm. Thoạt đầu gã tình nhân kia toan kháng cự, nó nguều ngoào co giật những cái chân yếu mềm của nó nhằm cố thoát ra khỏi những gọng kìm ghê khiếp kia. Song cô bạn tình không nhả nó ra chút nào. Nó dùng tơ nhện quấn chặt con đực trong vài phút để nó không thể động cựa được dù chỉ một cái chân. Sau đó con cái dùng những gọng kìm bám chặt kia đè con đực và bắt đầu ngấu nghiến hút dòng máu tươi trẻ từ cơ thể gã bạn tình của nó. Mình đã nom thấy lúc cuối cùng con cái khinh bỉ hất ra khỏi tấm mạng nhện cái cục lầy nhầy méo mó kia gồm những cái cẳng và lớp da bị những sợi tơ quấn chặt.
Ái tình của những con côn trùng kia là như vậy đấy! Chà, mình rất mừng vì mình không phải là con nhện đực trẻ trung đó.
Thứ Hai, ngày Mười bốn tháng Ba.
Mình hoán toàn thôi không nhìn vào sách vở nữa. Suốt ngày mình ngồi bên cửa sổ. Thậm chí khi trời sập tối mình vẫn tiếp tục ngồi đó. Những lúc ấy mình không còn thấy nàng nhưng mình nhắm mắt lại và hình ảnh của nàng hiển hiện trước mắt.
Chà, trong nhật ký mình đã kể về bà Dubonnais, về ngài chánh cẩm, về hai con nhện và về nàng Clarimoda. Nhưng chưa có lời nào về những phát hiện mà mình phải có trong căn phòng này. Mình có lỗi trong việc ấy hay không nhỉ?
Thứ Ba, ngày Mười lăm tháng Ba.
Bọn mình đã nghĩ ra một cuộc chơi lạ lùng gồm Clarimoda và mình, và hai đứa mình chơi trò chơi ấy cả ngày. Mình gật đầu với nàng và nàng cũng đáp lại ngay bằng một cái gật đầu. Sau đó mình bắt đầu gõ các đầu ngón tay lên mặt kính; khi nàng vừa nhận ra điều đó là nàng thực hiện cũng hệt như thế ngay. Mình ra hiệu với nàng bằng tay, nàng cũng đáp như vậy; mình mấp máy môi như đang nói chuyện với nàng và nàng bắt chước ngay lập tức. Mình vuốt mái tóc lại đằng sau gáy và nàng cũng đưa tay lên trán tức thì. Những điều đó có vẻ hoàn toàn như con trẻ vậy, thế là cả hai bọn mình đều cười, mà chỉ khẽ mỉm cười, còn mình cũng có cảm giác mình cũng mỉm cười y hệt như thế.
Song tất thảy những điều đó tuyệt không đếm mức mù quáng, ngốc nghếch như đã có vẻ là vậy. Đó không phải là một sự bắt chước nhau một cách đơn thuần vì nếu vậy thì cả hai chúng mình sẽ mau chán lắm. Không, ở đây sức mạnh ái tình cùa các ý nghĩ giữ một vai trò tích cực. Sự thể là Clarimoda tức thời bắt chước cử động dù chỉ nhỏ nhoi nhất của mình: khi nàng vừa nhìn thấy điều mình làm thì nàng làm điều đó ngay tắp lự; đôi khi mình mường tượng thấy toàn bộ các cử động của nàng trùng đồng thời với các cử động của mình. Chính điều đó đã khiến mình thán phục vì mình luôn luôn thực hiện những gì mới mẻ, không lường trước, bởi vậy có thể thực sự sửng sốt khi thấy nàng nắm bắt tất cả thực nhanh. Đôi khi mình bỗng nảy ý định làm cho nàng bối rối. Mình làm vài cử động liên tiếp nhau, sau đó lặp lai lần nữa và lần nữa. Cuối cùng, đến lần thứ tư mình vẫn làm cùng điều đó nhưng theo trình tự khác hay cố ý bỏ sót một động tác nào đó và làm một cử động mới thay vào.
Việc đó tựa hồ trò chơi của trẻ con "Đàn chim bay". Và thực khó lòng tin được khi thấy Clarimoda không khi nào nhầm hết, mặc dù mình thực hiện các cử động ấy nhanh đến mức dường như không thể nào nắm bắt ngay được những cử động đó.
Suốt nhiều ngày trôi qua như thế. Nhưng chưa bao giờ mình có cảm nghĩ đang tiêu phí thì giờ, ngược lại, mình có cảm giác chưa bao giờ lại làm một công việc quan trọng hơn thế.
Thứ Tư, ngày Mười sáu tháng Ba.
Liệu có lạ lùng hay không khi mình chưa bao giờ nảy ra ý nghĩ chuyển những mối quan hệ của mình với Clarimoda sang một cơ sở thực tế hơn chứ không chỉ giới hạn bằng tró chơi này? Đêm qua mình nghĩ lâu về điều này. Vì mình chỉ cần đội mũ, mặc áo bành tô rời tầng hai xuống đất. Chỉ cần đi năm bước qua phố và sau đó lại leo thang gác lên tầng hai. Trên cửa ra vào dĩ nhiên có treo tấm biển nhỏ có đề chữ "Clarimoda". Chà, cái tên Clarimoda, và sau đó là gì nữa? Mình không biết phải làm chính điều gì nữa, nhưng tên nàng Clarimoda được viết trên tấm biển cơ mà. Sau đó mình gõ cửa và...
Mình hình dung tất cả những điều ấy hoàn toàn rõ ràng, mình tưởng tượng thật rành rẽ, rõ ràng từng cử chỉ nhỏ nhất mà mình sẽ thực hiện. Thế nhưng mình không tài nào hình dung được điều gì sẽ xảy ra sau đó. Cánh cửa ra vào mở ra, điều này mình có thể tưởng tượng được. Nhưng mình dừng lại trước cửa và nhìn sâu vào bóng tối nơi mà mình không tài nào nhận thấy cái gì cả. Nàng không xuất hiện vì mình chẳng thấy gì hết, vả lại, nói chung thì ở đó chẳng có gì cả. Mình chỉ nhìn thấy bóng tối đen kịt.
Đôi khi mình có ý nghĩ rằng có lẽ chỉ tồn tại có nàng Clarimoda người mà mình nom thấy ở đó bên cửa sổ và đang cùng tham gia trò chơi với mình. Thậm chí mình không thể hình dung người đàn bà ấy sẽ có dáng vẻ thế nào khi đội mũ hoặc vận chiếc áo váy khác chứ không phải bộ áo váy điểm các chấm màu tím nhạt; mình không tài nào tưởng tượng được ra nàng khi chẳng có đôi găng tay màu đen ấy. Nếu như mình có gặp nàng ngoài phố hay khi nàng đang ăn hay uống trong tiệm, hoặc đơn thuần khi nàng đang tán gẫu, không, thậm chí nghĩ đến điều đó cũng thật nực cười rồi, mình không thể hình dung bức tranh ấy đến mức như vậy được.
Thảng hoặc mình tự hỏi xem mình có yêu nàng không. Mình không thể trả lời điều này được vì mình đã được yêu bao giờ đâu. Nhưng nếu cái tình cảm mà mình đang trải nghiệm với Clarimoda thực tế là tình yêu thì đây là cái gì đó hoàn toàn khác những gì mình đã biết nơi bạn bè hay mình đã đọc trong tiểu thuyết.
Mình quả là khó hiểu rõ những cảm giác của chính mình. Nói chung là khó suy nghĩ về một lý do gì đấy không liên quan trực tiếp đến Clarimoda, hay đúng hơn, đến trò chơi của bọn mình. Bởi không thể phủ nhận rằng thực chất trò chơi này là choán hết tâm khảm mình chứ không phải điểu gì khác. Và dù thế nào đi chăng nữa, mình hiểu ra cái lý do ấy.
Ôi nàng Clarimoda... Ôi chao, tất nhiên nàng quyến rũ mình phải khao khát nàng. Nhưng có một cảm giác khác hòa lẫn với điều đó, dường như mình sợ hãi một điều gì đấy. Mình sợ chăng? Không, không phải thế, đó có thể là sự ngượng ngùng, với mình thì nỗi hoảng sợ mơ hồ trước một cái gì đó vẫn chưa hề rõ rệt. Nhưng chính cái nỗi hoảng sợ ấy lại là cái gì đó đè nén, một cảm giác gì đấy ngọt ngào, nhưng nó không cho phép mình tiếp cận nàng. Mình cảm thấy dường như mình đang chạy quanh nàng trong một cái vòng rộng, thỉnh thoảng đến gần nàng, sau đó lại chạy xa khỏi nàng. lao tới một nơi khác, lại tới gần và lại chạy xa. Nhưng rốt cuộc, mình tin chắc như vậy, muốn gì thì gì mình cũng chẳng hề tiếp cận được với nàng.
Clarimoda ngồi bên cửa sổ và xe chỉ. Nàng xe những sợi chỉ dài, mảnh, mảnh vô cùng.
Từ những sợi chỉ ấy nàng sẽ dệt nên tấm vải. Không biết cái gì sẽ được làm nên từ vải đó. Mình thậm chí không hiểu làm sao nàng có thể dệt được vải từ những sợi chỉ mỏng mảnh êm ái đó mà không làm rối tung và làm đứt. Trên tấm vải nàng dệt sẽ có những hoa văn kỳ ảo, những con thú cổ tích và những khuôn mặt kỳ lạ.
Ồ; mình đang viết gì nhỉ? Thì đúng là mình cũng không thấy nàng đang xe cái gì vì những sợi chỉ của nàng quá mỏng mảnh. Tuy nhiên mình cảm nhận rằng công việc của nàng chính là việc mà mình đang hình dung khi mình nhắm mắt lại. Chính là công việc đó. Một cái lưới lớn với nhiều hình nơi ấy: những con thú cổ tích với bao khuôn mặt thực kỳ lạ.
Thứ Năm, ngày Mười bảy tháng Ba.
Mình có một trạng thái lạ lùng. Hầu như mình chẳng nói chuyện với ai, thậm chí cả với bà Dubonnais nữa, với người hấu phòng thì mình chỉ chào hỏi qua loa. Ngay thời gian dành để ăn cũng phải dè xẻn vì mình chỉ muốn ngồi bên cửa sổ và tiếp tục trò chơi với nàng. Trò chơi đó gây hưng phấn, thực vậy, nó kích thích mình.
Và lúc nào mình cũng có cảm giác dường như ngày mai phải có một điều gì đó sẽ xảy ra.
Thứ Sáu, ngày Mười tám tháng Ba.
Đúng, đúng, hôm nay phải xảy ra một cái gì đó. Mình tự nhắc lại thật to để nghe thấy giọng nói của mình. Mình tự nhủ rằng mình ở đây chỉ là vì việc đó. Nhưng sự thể tồi tệ hơn cả là việc mình thấy hoảng sợ. Đó là nỗi sợ cái điều có thể xảy ra với mình chính là những gì đã xảy đến với những kẻ xấu số ở đây từ trước tại căn phòng này, nó hòa trộn với nỗi kinh sợ trước nàng Clarimoda. Mình không thể tách biệt được nỗi sợ này với nỗi sợ kia nữa.
Mình thấy hoảng hốt, mình những muốn kêu lên.
Sáu giờ chiều.
Lúc đầu là đôi lời, sau đó mình sẽ cầm lấy mũ và áo bành tô.
Khi đồng hồ điểm năm giờ, sức lực mình đã cạn. Ồ;, giờ đây mình biết rõ là có một điều đặc biệt nào đó vào sáu giờ của ngày trước ngày cuối trong tuần. Bây giờ mình đã không còn cười nhạo cái câu chuyện đùa cợt mà mình đã nghĩ ra để phỉnh ngài chánh cẩm nữa. Mình ngồi trong ghế bành và hết sức bình sinh cố gắng không rời khỏi ghế. Nhưng mình bị thu hút, bị giật ra tới cửa sổ. Mình muốn được chơi đùa với Clarimoda bằng bất kỳ giá nào, nhưng nỗi kinh hoàng trước cái cửa sổ đã len lỏi tới. Mình cũng thấy người Thụy Sỹ, vóc dáng to lớn với cái cổ mập béo và chòm râu bạc. Mình cũng thấy tay nghệ sĩ dáng cân đối và ông trung sĩ vạm vỡ, khỏe mạnh. Mình đã nom thấy cả ba người, người này tiếp sau người kia treo cổ trên cửa sổ dưới chính cái móc kia, mồm họ há hốc và những cái lưỡi thè dài ra. Rồi sau đó mình cũng nhìn thấy chính mình bên cạnh họ.
Ôi, thật kinh khủng! Mình cảm thấy nỗi kinh hoàng choáng ngợp trước cái thanh ngang cửa sổ và cái móc ghê khiếp kia cũng như trước nàng Clarimoda. Nàng hãy tha thứ cho mình, nhưng mọi sự là như thế, trong nỗi kinh hoàng khốn khổ của mình lúc nào hình ảnh nàng cũng lên đến cùng với hình ảnh ba con người bất hạnh bị chết treo, chân họ thõng quệt xuống sàn.
Sự thật là chẳng có khoảnh khắc nào lại xuất hiện sự mong muốn tự treo cổ nơi mình cả; vì thế nên mình không sợ mình sẽ làm điều đó. Không, đơn thuần là mình sợ một cái gì đó khủng khiếp, vô định mà chắc phải xảy ra. Nơi mình có một nỗi ước mong khát khao khó cưỡng được là đứng dậy và tiến lại chổ cửa sổ bất chấp tất cả. Và chính mình đã muốn làm điều đó...
Vừa khi ấy điện thoại réo vang. Mình nhấc ống nghe, và chẳng hề nghe thấy những gì người ta nói, mình liền kêu to: "Xin hãy đến ngay! Đến ngay bây giờ!".
Dường như tiếng kêu thất thanh ấy đã xua tan mọi bóng đen khủng khiếp trong mình ở một khoảnh khắc. Mình thấy yên tâm trong một phút giây ngắn ngủi. Mình lau mồ hôi rịn ra trên trán và uống hết cốc nước, đoạn bắt đầu suy tính xem cần nói gì với ngài chánh cẩm khi ông ta tới. Cuối cùng mình lại cửa sổ, gật đầu và mỉm cười.
Cả Clarimoda cũng gật đầu đáp lại. Năm phút sau ngài chánh cẩm đã có mặt trong phòng. Mình bảo ông ta rằng đã dò ra được dấu vết đích thực. Nhưng hôm nay ông phải chiều mình đừng gặn hỏi gì hết, mình sẽ kể ông ấy nghe vào thời gian gần nhất. Cái dáng tức cười nhất là ở chổ khi mình bịa ra điều đó thì mình đã tin tưởng chắc chắn là mình nói sự thật. Và bây giờ đây thì có lẽ mình thấy điều đó là trái với lương tâm mình.
Hoàn toàn có thể ông ta đã nhận ra trạng thái tâm thần lạ lùng của mình, và đặc biệt khi mình thấy khó khăn trong việc giải thích tiếng kêu trong điện thoại và toan tính một cách phí công muốn thoát ra khỏi cảnh huống khó khăn này. Ông ta chỉ nói với mình rất nhả nhặn để mình không bối rối trước ông ta vì ông hoàn toàn phục tùng mình, bổn phận của ông ta là như thế. Ông ta cứ đến một cách vô ích mười hai lần thì tốt hơn là cứ bắt mình phải đợi khi ông thấy có nhu cầu cần đến. Sau đó ông ta mời mình đi cùng ông vào buổi tối hôm ấy để nguôi ngoai đi phần nào vì cứ ở một mình lâu trong phòng thì chẳng khỏe khoắn chút nào. Mình nhận lời mời của ông mặc dù mình thấy điều này là rất khó chịu, thế là mình chẳng thích thú gì phải chia tay với căn phòng mình bây giờ.
Thứ Bảy, ngày Mười chín tháng Ba.
Mình và ngài chánh cẩm đã ghé quán "Gaite Rochehouart", sau đó đến "Cigale" và "Lune Rousse". Ngài chành cẩm nói đúng: với mình quả thật rất có ích khi được ra hít bầu không khí trong lành và mới mẻ. Lúc đầu mình có cảm giác khó chịu, dường như mình là một kẻ đào ngũ, trốn chạy là cái cớ của mình. Nhưng rồi sau đó cái cãm giác đó trôi qua: ngài chánh cẩm và mình đã uống nhiều, cười rồi tán gẫu.
Sáng nay khi bước tới cửa sổ, mình nhìn thấy Clarimoda và mường tượng rằng mình đã đọc được sự trách móc trong cái nhìn của nàng. Nhưng có thể đó là sự tưởng tượng của mình thôi vì thực ra làm sao nàng biết được việc mình chiều qua đi vắng? Vả lại mình chỉ cảm nhận thấy điều đó trong một khoảnh khắc, rồi sau đó lại nhận ra nụ cười nơi nàng.
Bọn mình đã theo cuộc chơi cả ngày.
Chủ nhật, ngày Hai mươi tháng Ba.
Chỉ có hôm nay mình mới viết được vì bọn mình chơi suốt ngày hôm qua.
Thứ Hai, ngày Hai mươi mốt tháng Ba.
Hai đứa mình chơi cả ngày.
Thứ Ba, ngày Hai mươi hai tháng Ba.
Vâng, hôm nay bọn mình vẫn tiếp tục việc thường ngày. Không có gì khác cả. Đôi khi mình tự hỏi: thực sự mình đang làm điều đó để làm gì? Hoặc: điều này sẽ dẫn đến cái gì, bằng việc ấy mình muốn đạt được điều gì đây? Nhưng chưa có khi nào mình trả lời những câu hỏi ấy bởi vì mình không hề muốn gì khác ngoài chỉ một điều mà thôi. Và điều phải xảy ra chính là cái mà mình đang khao khát.
Vào những ngày khi bọn mình nói chuyện với nhau, tất nhiên không hề phát âm một lời nào cả. Đôi khi hai đứa mấp máy môi, nhưng phần lớn thời gian bọn mình chỉ nhìn ngắm nhau. Nhưng cả hai đứa rất hiểu nhau.
Mình đã đúng: Clarimoda đã quở trách vì việc mình bỏ đi vào thứ Sáu tuần trước. Thế là mình xin lỗi và bảo rằng về phía mình như thế thật ngốc nghếch và tồi tệ. Nàng tha lỗi và mình hứa sẽ không đi chơi vào thứ Sáu tới nữa. Rồi bọn mình hôn nhau, áp chặt đôi môi vào cửa kính.
Thứ Tư, ngày Hai mươi ba tháng Ba.
Giờ đây mình đã hiểu là mình đang yêu nàng. Đúng, đúng là như vậy vì mình đã phải lòng nàng say đắm. Cứ để cho mọi người khác nghĩ tình yêu phải là cái gì khác hơn thế cơ. Nhưng chẳng lẽ lại có một cái đầu, một cái tai, một cánh tay lại giống hệt nhau ở hàng nghìn người chăng? Tất thảy mọi người đều khác nhau, bởi vậy tình yêu cũng luôn luôn chẳng giống nhau ở từng người. Thật ra mình biết tình yêu của mình hoàn toàn đặc biệt. Nhưng chẳng nhẽ vì thế mà cuộc tình này kém nồng cháy và tươi đẹp hơn sao? Mình hầu như hoàn toàn hạnh phúc trong tình yêu của mình.
Giá như chẳng có nỗi kinh sợ như thế! Đôi khi nỗi sợ ấy ngủ thiếp đi và lúc đó mình quên nó đi. nhưng điều này diễn ra chỉ vài phút thôi, sau đó nỗi sợ lại bừng tỉnh trong mình như một con chuột nhắt đáng thương đang tranh đấu với con rắn đẹp đẽ to lớn nhằm thoát ra một cách vô vọng khỏi những cái vòng quấn chặt chẽ. Bày hỡi nỗi sợ nhỏ nhoi ngu xuẩn kia, mi hãy cứ đợi, chẳng bao lâu tình yêu vĩ đại sẽ nuốt chửng mi.
Thứ Năm, ngày Hai mươi bốn tháng Ba.
Mình vừa có một phát hiện;không phải mình đang chơi với Clarimonda mà nàng đang chơi với mình.
Phát hiện đó nảy sinh thế này.
Hôm qua mình cứ nghĩ như mọi khi về cuộc chơi của bọn mình. Và mình đã viết ra năm loạt cử động mới khác nhau mà mình dự định dùng để khiến nàng ngạc nhiên vào hôm sau, mỗi động tác được đánh số nhất định. Mình đã luyện tập các cử động này để sau đó thực hiện nhanh hơn, lúc đầu sẽ theo trình tự thuận, sau đó sẽ theo trật tự ngược lại. việc làm đó rất khó, nhưng nó đem tới cho mình một nỗi khoan khoái cực lớn, điều này tựa hồ đã làm cho mình gần gũi với Clarimonda thậm chí cả vào những giây phút mình không nhìn thấy nàng. Mình luyện các động tác đó suốt nhiều giờ, cuối cùng mọi sự đã thuần thục như cháo chảy.
Và sáng nay mình đến gần cửa sổ. Bọn mình chào nhau và sau đó trò chơi bắt đầu. Thực là khó tin khi thấy nàng hiểu mình thật nhanh và bắt chước mình ngay lập tức.
Vào phút ấy có ai gõ cửa; đó là người hầu phòng mang đôi ủng vào cho mình. Sau khi nhận đôi ủng và trở lại chổ cửa sổ, mình ngẫu nhiên nhìn vào tờ giấy ghi các động tác mình đã luyện tập. Và ngay khi ấy mình đã hiểu rằng khi nãy đứng trước cửa sổ mình chẳng thực hiện bất kỳ động tác đã ghi nào hết.
Mình lảo đảo, vịn tay vào lưng ghế bành và thả mình xuống ghế. Mình không tin là như vậy, thế là mình lại nhìn vào những dòng ghi trên tờ giấy. Nhưng đó là sự thật: ban nạy, trước cửa sổ mình đã thực hiện cả loạt động tác, nhưng không có động tác nào là của mình hết.
Và nơi mình lại xuất hiện cái cảm giác ấy: cánh cửa, cánh cửa phòng nàng mở rộng. Mình đứng trước cánh cửa mở toang và nhìn: chẳng nhìn thấy gì hết trừ bóng tối mịt mùng dày đặc. Khi ấy mình đã thấy rõ một điều: nếu bây giờ mình bỏ đi thì sẽ được cứu thoát; và mình cảm thấy giờ đây mình có thể ra đi được.
Paris đã tỏ ra mạnh hơn nàng Clarimonda trong một khoảnh khắc.
Chà, giờ đây mình hoàn toàn chẳng nghĩ gì về điều đó nữa. Lúc này mình chỉ cảm nhận độc tình yêu của mình và nỗi sợ êm đềm sung sướng với nàng.
Nhưng vào thời khắc ấy, nỗi sợ này đã tiếp thêm cho mình sức mạnh. Mình đọc lại lần nữa bản ghi chép các động tác và cố gắng ghi nhớ chúng. Sau đó mình lại gần cửa sổ.
Giờ mình hoàn toàn hiểu rõ: mình đã không làm một động tác nào trong số những gì mình muốn làm.
Khi ấy mình quyết định lấy ngón tay trỏ để xoa mũi nhưng mình lại hôn cửa kính thay vì điều đó. Mình muốn gõ vào kính nhưng thay vì làm thế mình lại dùng tay xoa mái tóc. Vậy giờ đây mình đã thấy rõ: không phải Clarimonda bắt chước cái mình làm, mà ngược lại, mình bắt chước nàng. Và mình thực hiện những cái đó nhanh như chớp đến nỗi mình có ấn tượng dường như quyền chủ động xuất phát từ chính mình.
Còn mình vốn tự hào là có ảnh hưởng tới nàng, thì ngược lại mình lại chịu ảnh hưởng của nàng. Tuy nhiên, ảnh hưởng đó êm ái và trìu mến đến mức mình đã suy nghĩ rằng trên thế gian này chẳng có gì tốt đẹp như thế.
Mình còn tiến hành vài thử nghiệm nữa. Mình đút cả hai tay vào hai túi quần và quyết tâm không cử động; mình đứng và chăm chú dõi theo nàng. Mình thấy nàng giơ tay lên, nàng cười và nhẹ nhẹ dứ ngón tay trỏ dọa mình. Mình không động đậy. Mình cảm thấy tay phải cứ muốn thoát ra khỏi túi quần, nhưng mình áp chặt các ngón tay vào lớp vải lót. Sau đấy chầm chậm, chầm chậm sau vài phút, các ngón tay rời ra, thế là mình rút tay ra khỏi túi và giơ lên. Rồi mình mỉm cười và cũng dứ ngón tay dọa nàng. Mình cảm thấy không phải mình làm điều đó mà là một kẻ nào khác, cái kẻ mà mình đang theo dõi. Không, không, không phải là như vậy. Chính mình, mình đã làm việc đó, còn kẻ nào khác kia chính là gã đầy sức mạnh đã mong muốn có một phát hiện vĩ đại, nhưng đó không phải là mình đâu.
Mình, mình có thiết gì những phát hiện như thế đâu, mình ở đây là để làm theo ý chí của nàng Clarimonda, người mà mình đang yêu trong nỗi sợ ngọt ngào.
Thứ Sáu, ngày Hai mươi lăm tháng Ba.
Mình đã cắt đứt dây điện thoại. Mình không muốn ngài chánh cẩm xuẩn ngốc ấy quấy rầy mình bất cứ phút nào, vả lại mình làm việc đó vào đúng cái lúc giờ khắc khủng khiếp đó đã đến.
Trời ơi, mình viết tất cả những điều này để làm gì chứ? Trong toàn bộ những điều đó không có lời nào là sự thật. Mình có cảm giác như ai đó điều khiển cây bút của mình.
Nhưng mình muốn, rất muốn ghi lại những gì đang xảy ra với mình. Để làm được điều này mình phải hết sức tập trung ý chí. Nhưng mình sẽ làm được việc đó. Chỉ còn có một lần để làm điều mà mình mong muốn...
Mình đã cắt đứt dây điện thoại... chà! Mình đã phải làm việc đó! Thế đấy! Cuối cùng đã xong!Vì mình phải, phải làm.
Hôm nay hai đứa đứng bên cửa sổ và chơi. Từ ngày hôm qua cuộc chơi của bọn mình đã thay đổi tính chất. Nàng thực hiện một cử động nào đó, còn mình cưỡng lại đến chừng nào có thể được. Nàng thực hiện một cử động nào đó, còn mình cưỡng lại đến chừng nào có thể được. Hiện thời mình không chịu thua vẻ yếu ớt không tuân phục những gì mà nàng muốn. Và mình không thể diễn tả được cái niềm hoan lạc đến thế nào khi nhận thức mình đã thua, đã chiến bại, cái niềm hạnh phúc đến thế nào khi mình phài tòng phục ý chí của nàng.
Bọn mình đã tiếp tục cuộc chơi. Sau đó bỗng nhiên nàng đứng dậy và đi sâu trong phòng. Phòng nàng tối đến nỗi mình không còn nom thấy nàng nữa, dường như nàng đã tan ra trong bóng tối. Nhưng sau đó nàng lại xuất hiện bên cửa sổ, trong tay giữ một cái máy điện thoại để bàn hoàn toàn giống cái điện thoại đặt trong phòng mình. Nàng mỉm cười để cái điện thoại trên bậu cửa, đoạn lấy con dao và cắt đứt sợi dây và lại cất điện thoại đi.
Mình đã cưỡng lại nàng suốt mười lăm phút. Nỗi sợ của mình nặng hơn trước đây, nhưng chính thế khiến cho việc cảm nhận mình bị lệ thuộc, chèn ép trở nên ngọt ngào hơn nữa. Cuối cùng, mình lấy cái máy điện thoại ra, đặt nó lên cửa sổ, cắt đứt dây nối và lại để nó lên bàn.
Điều đó đã xảy ra như vậy.
Mình ngồi sau bàn viết, mình uống ly trà, người hầ phòng vừa mang cốc tách đi. Mình đã hỏi anh ta mấy giờ rồi vì đồng hồ của mình chạy sai. Năm giờ mười lăm, đúng năm giờ mười lăm.
Mình chỉ cần mình ngẩng đầu là Clarimonda sẽ làm động tác gì đó. Nàng sẽ làm một cử chỉ nào đó mà mình cũng sẽ phải làm theo.
Và dẫu sao mình cũng đã ngẩng đầu lên. Nàng đứng nơi cửa sổ và cười. Bây giờ, giá như mình có thể ngoảnh mặt đi, giờ nàng đã tiến lại gần cái rèm cửa sổ. Nàng tháo sợi dây, sợi dây màu đỏ giống hệt sợi dây rèm cửa sổ phòng mình. Nàng quấn thành cái thòng lọng. Nàng quấn sợi dây vào cái móc trên thanh ngang cửa.
Sau đó nàng mỉm cười và ngồi xuống.
Không, cái mà mình cảm nhận không phải là nỗi sợ. Đó là nỗi kinh hoàng lạnh lùng, tê tái mà dẫu sao mình sẽ chẳng đồng ý đổi lấy bất cứ cái gì trên thế gian này. Ấy là một sự nô dịch, cưỡng ép kỳ lạ nào đó, nhưng đồng thời trong nỗi kinh hoàng không gì chế ngự được ấy tiềm tàng một khoái cảm vô cùng độc đáo.
Mình rất có thể chạy lại gần cửa sổ và làm ngay cái mà nàng muốn, nhưng mình chờ đợi vì trong tâm khảm mình đang diễn ra cuộc tranh đấu, mình đang cưỡng lại. Mình cảm thấy từng phút một trôi qua là cái sức mạnh kia càng trở nên không thể cưỡng chống được mạnh hơn nữa.
Ồ;, giờ đây mình lại ngồi bên bàn. Mình đã nhanh chóng chạy lại cửa sổ và thực hiện cái điều mà nàng mong đợi ở mình: lấy sợi dây ra, làm một cái thòng lọng và treo nó lên móc.
Bây giờ mình sẽ không đứng dậy nữa, bây giờ mình sẽ chỉ nhìn xuống tờ giấy thôi. Mình hiểu rõ việc nàng sẽ làm nếu mình chỉ cần nhìn vào nàng vào giờ thứ sáu ngày trước ngày cuối cùng trong tuần đó. Nếu mình nhìn nàng thì mình sẽ phải làm theo điều nàng muốn, khi đó mình sẽ phải...
Mình sẽ không nhìn nàng.
Lúc này mình cất tiếng cười vang. Không, mình không cười, ấy là cái gì đó trong con người mình cất tiếng cười. Mình biết cười cái gì: nó cười nhạo cái "mình không muốn" của chính mình.
Mình không muốn, nhưng dù sao có lẽ cũng biết là phải làm việc đó. Nhưng mình phải nhìn nàng, phải, phải làm việc ấy... và sau đó là những gì còn lại.
Mình chỉ chờ đợi để kéo dài nỗi cực hình đau đớn, những nỗi đau khổ mà vì nó mình nín thở, mà đồng thời đem lại khoái lạc vô biên. Mình viết và cứ viết để ngồi lâu hơn bên bàn, để kéo dài những thời khắc đau khổ này, những nỗi thống khổ làm gia tăng hạnh phúc tình yêu của mình đến vô tận...
Thêm chút nữa, còn chút nữa...
Lại nỗi kinh sợ ấy, lại lần nữa! Mình biết mình sẽ nhìn nàng, sẽ đứng dậy, sẽ đưa cổ vào cái thòng lọng, nhưng mình sợ không phải điều đó. Ồ; không, điều đó thật đẹp đẽ, điều đó thật tuyệt vời.
Nhưng có một cái gì đó, cái gì đó khác lạ... cái đều đó sẽ xảy ra sau đó. Mình không biết đó là điều gì, nhưng chắc chắn sẽ xảy ra bởi vì hạnh pháu của những nỗi đau nơi mình thật vô cùng vĩ đại. Phải, mình có cảm giác, cảm giác là tiếp theo sau chuyện này sẽ xảy ra một cái gì đó thật khủng khiếp.
Chỉ cốt sao đừng nghĩ đến...
Phải viết ra bất cứ cái gì nảy ra trong đầu, cho dù là gì cũng được. Chỉ cần nhanh hơn nữa, không cần suy nghĩ...
Tên của mình là Richard Brakemon, Richard Brakemon, Richard... Trời, mình không thể viết hơn... Richard Brakemon... Richard Brakemon... bây giờ... bây giờ... mình phải nhìn nàng đã... Richard Brakemon... mình phải... chưa... Richard... Richard Brake...
Ngài chánh cẩm khu vực số chín đã không thể nghe được tiếng đáp lại sau nhiều lần ông ta quay số gọi điện thoại. Thế là ngài tới khách sạn "Stevence" lúc sáu gời năm phút. Trong căn phòng số bảy ông nhìn thấy chàng sinh viên Richard Brakemon đã chết treo dưới thanh ngang cửa sổ hoàn toàn giống như cái cảnh huống của ba kẻ xấu số trước đây đã thắt cổ tự vẫn trong căn phòng này.
Chỉ có điều là trên khuôn mặt chàng đọng lại cái vẻ mặt khác: nét mặt chàng bị biến dạng méo mó với một nỗi kinh hoàng, hai mắt chàng mở to trừng trừng và hầu như lồi ra hố mắt. Đôi môi chàng tòe ra, nhưng hai hàm răng chàng cắn chặt vào nhau.
Và giữa hai hàm răng ngậm chặt ấy là một con nhện đen to kềnh với những nốt lấm chấm màu tím nhạt lạ lùng bị xiết bẹp.
Trên bàn là cuốn nhật ký của chàng sinh viên. Ngài chánh cẩm đã đọc tất cả và sau đó lần xuống gác đi sang ngôi nhà bên dãy đối diện. Ở đó ngài chánh cẩm đã xác nhận rằng suốt vài tháng nay tầng hai ngôi nhà đó trống không chẳng một ai ở trọ cả.
Đăng nhận xét