Home » » Cú rơi

Cú rơi

Written By Son Nguyen on Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012 | 17:48


Bên trong cánh gà, ông Bảy Sòng - chủ của gánh xiếc Lang Bạt - đang dán mắt vào màn biểu diễn của học trò cưng. Gã ta đang dợm những bước di chuyển cuối cùng trên sợi dây thừng vắt ngang qua sân khấu. Ở độ cao mười lăm mét này, việc giữ thăng bằng là rất quan trọng, chỉ một cú sảy chân sẽ khiến gã tan xác. Bên dưới, đám đông khán giả nín thở theo từng cái nhón chân của gã với một sự hân hoan xen lẫn lo lắng. Họ không biết một điều rằng: Gã sắp tiêu đời...

Cú rơi

Phải, nghệ sĩ xiếc với biệt danh Chúa Khỉ nổi tiếng khắp phương Nam bởi những màn đi trên dây đầy xuất thần mà không cần đến một công cụ bảo vệ nào sắp sửa rơi từ độ cao mười lăm mét xuống đất để nhận lấy một cái chết thảm khốc nhất. Máu của gã sẽ tưới đỏ sân khấu này.
Chỉ duy nhất ông Bảy Sòng biết trước điều đó. Hai mươi năm trước, ông không thể ngờ rằng cuộc đời của thằng Khỉ sẽ mở đầu bằng một cú rơi và kết thúc cũng bằng một cú rơi. Chuyện là, lúc thằng Khỉ được khoảng mười bốn tuổi, nó đã leo lên cây cầu cao nhất Bến Chiều và lạnh lùng buông mình xuống sông. Lúc ấy ông vừa mới kết thúc buổi biểu diễn ở đoàn xiếc, định bụng sẽ đi dạo một vòng lên cầu để đổi gió. Tất nhiên, cú rơi kinh hồn của thằng nhóc gầy teo có đôi mắt phớt đời đã đập vào mắt ông. Một đứa trẻ mười bốn tuổi xanh non mà đã biết dùng một cách kinh khủng như vậy để kết thúc cuộc đời ư? Ý nghĩ đó làm tim ông đau thắt. Và tất nhiên, ông cứu nó.
Lúc ông đưa nó lên bờ, ép những hộc nước trong miệng nó trào ra, nó mở mắt nhìn ông khinh khỉnh. Đôi mắt đục ngầu, đỏ choét vì áp lực của nước, nhưng bình thản và bất cần. Ông vác nó lên vai, đưa nó về đoàn xiếc. Máu anh hùng nổi lên cuồn cuộn, ông định bụng sẽ cho đứa trẻ đáng thương và bất hạnh này được hưởng một cuộc sống vui vẻ nhất, để cho nó biết rằng cuộc đời này còn tươi đẹp biết chừng nào. Thằng nhóc đáp lại thiện chí của ông bằng cái cười nhếch mép lạnh lẽo, và nó từ chối trả lời tất cả những câu hỏi liên quan đến tên tuổi, gia đình, thân thế, quê quán và lý do tại sao nó muốn chết. Riết rồi ông cũng chẳng buồn hỏi nữa. Ông dạy cho nó vài chiêu để nó đi diễn xiếc cùng ông, nhưng xem ra thằng nhóc có vẻ khá hơn hết với trò đi trên dây. Và vì nó không cho ông biết tên, nên ông đành gọi nó là thằng Khỉ. Thằng Khỉ có thể ung dung đi trên sợi dây cao mười lăm mét so với mặt đất mà không cần dụng cụ bảo hộ. Nó cũng yêu cầu ông Bảy Sòng không được để mấy tấm nệm dày cộp bên dưới sân khấu, vì nó tin rằng mình sẽ không bao giờ ngã. Thằng nhóc giúp gánh xiếc của ông hốt bạc. Người ta mê như điếu đổ ánh mắt phớt tỉnh, tư thế ngẩng cao đầu và những bước di chuyển nhanh nhẹn và ngạo nghễ của Chúa Khỉ. Cứ như vậy, thằng nhóc theo ông lang bạt khắp nơi, rải danh tiếng của nó xuống những mảnh đất mà nó đi qua.
Lại nói về thằng Khỉ, bây giờ đã trở thành một gã đàn ông ba mươi bốn tuổi phong trần, độc thân và quyến rũ. Thời gian làm biến đổi mọi thứ, duy chỉ có ánh mắt của gã là không thay đổi, vẫn u ám, lạnh lẽo và phớt đời như xưa. Việc đã từng một lần thoát chết không làm gã thấy quý trọng cuộc sống hơn. Dĩ nhiên rồi, gã tự tử đâu phải để được cứu. Gã cũng không phải là đứa dở hơi tự kết liễu cuộc sống của mình bằng những lý do dở hơi. Năm mười bốn tuổi, gã đã thấy cuộc đời mình sao mà khốn khổ, tim mình sao mà đau đến mức tưởng như chỉ có cái chết mới có thể kết thúc được nó. Sau khi được ông già Bảy cứu và đưa về đoàn xiếc, gã còn toan tự tử thêm vài lần nữa nhưng đều không thành, riết rồi gã cũng chẳng buồn tự tử nữa. Thay vào đó, gã chọn cho mình một trò chơi mạo hiểm gần với tự sát nhất. Gã thích trạng thái đi trên dây. Gã thích cái cảm giác chơi vơi, chới với giữa hai bờ sống chết. Gã hả hê khi thấy người ta lo lắng nhìn theo từng bước chân của mình, sự lo lắng có gì đó gần giống như là ông bà lo lắng cho cháu, cha mẹ lo lắng cho con, anh chị em lo lắng cho nhau. Hai mươi năm trước, lúc đứng chênh vênh trên cây cầu cao nhất Bến Chiều, gã tự hỏi nếu bây giờ gã nhảy xuống thì có ai lo lắng cho gã không, có ai thấy đau lòng không? Gã nghĩ là không, nên gã mới nhảy xuống. Thật là khốn khổ khi sự sống chết của mình chẳng có ý nghĩa gì với ai.
Bởi vậy nên bây giờ gã mới đi tìm ý nghĩa sự sống của mình bằng cách trêu đùa với nó. Những khi đứng trên dây, gã thường cố phóng tầm mắt xuống đám đông khán giả, tìm xem trong đó có người nào thương gã hay không. Có người nào tím tái mặt mày khi thấy gã suýt té. Có người nào rơi nước mắt khi thấy gã nhọc nhằn điều khiển những bước đi. Sau buổi diễn, có người nào chạy đến bên gã nói rằng họ là cha, mẹ, ông, bà, chú, thím, dì, cậu, em, cháu… của gã không?
Vẫn không. Nên suốt hai mươi năm nay, đôi mắt gã vẫn u ám, lạnh lẽo và phớt đời.
Vậy mà đôi mắt đầy hàn khí ấy lại thiêu đốt trái tim cô con gái câm của ông già Bảy. Vì ông trời đã cướp mất của cô giọng nói, nên đã ban cho cô sự nhẫn nhục để bù lại. Cô có thể ngồi hàng giờ lắng nghe ông già Bảy càu nhàu mà không hề tỏ một chút khó chịu nào. Cha cô hay càu nhàu cô vì cái tội thơ thơ thẩn thẩn như kẻ mất hồn. Cô thường tỉnh dậy lúc nửa đêm, chạy vào phòng dụng cụ để kiểm tra xem sợi dây thừng mà ngày mai gã Khỉ biểu diễn có bị mục chỗ nào không, có an toàn cho người ta không. Trước khi gã Khỉ lên sân khấu, cô thường đi loanh quanh cánh gà sờ sờ nắn nắn vào các nút thắt của sợi dây xem chúng đã đủ chặt chưa, vì nếu lỡ chẳng may người ta rơi xuống, chắc cô sẽ khóc cạn nước mắt mất.
Một lần, gã Khỉ bắt gặp cô đang gom mớ đồ dơ của gã đem đi giặt, gã bèn giật đống đồ lại rồi quát tháo loạn xị cả lên. Kiểu như: "Ai cho cô vào phòng tôi, ai cho cô tự ý đụng vào đồ của tôi?"... Cô tròn mắt, rồi như chợt hiểu ra điều gì, cô lặng lẽ rút lui. Nghe đâu gã Khỉ có để một tờ giấy gì đó rất quan trọng giấu trong túi quần mà gã không muốn để ai nhìn thấy. Kể từ lần bị mắng đó, cô không dám bước chân vào phòng của gã Khỉ nữa. Cô có một niềm vui nho nhỏ là được đứng sau một vật gì đó để ngắm gã. Ví dụ như, lúc thì cô núp đằng sau bờ rào, lúc thì cô đứng lặng lẽ trong cánh gà, lúc thì cô nép mình sau lưng cha, lúc thì cô chui vào bụi cỏ lau để xem gã tắm. Nói chung, cô không bao giờ xuất hiện trực diện trước mặt gã mà thường lén lút quan sát từ xa. Điều đó giúp cô che giấu được mặc cảm khiếm khuyết về giọng nói của mình: "Anh ấy có lẽ cũng thích một cô gái luôn im lặng ngoan ngoãn, nhưng có lẽ anh ấy sẽ thích một cô gái biết nói hơn" - Cô nghĩ vậy.
Mọi chuyện sẽ êm đềm theo kiểu đó nếu như một ngày kia, ông già Bảy không phát hiện ra con gái mình bị một bóng đen đẩy vào phòng dụng cụ. Giữa đống lộn xộn dây thừng, mặt nạ biểu diễn, xe đạp, banh nỉ và mấy con khỉ kêu eng éc trong chuồng, gã đè cô xuống, phả những hơi thở nóng rát lên đôi môi run rẩy của cô. Cô nhắm mắt, cảm thấy cơ thể mình đang từ từ mềm nhũn ra và ấm dần lên. Ánh trăng xanh lét trôi ngang qua cửa sổ. Gương mặt cô cũng đang tái xanh. Gã gào lên:
- Cô thương tôi chứ? Cô có thương tôi không?
Dĩ nhiên, cô không thể trả lời gã. Cô bị câm mà. Khí lạnh tỏa ra từ đôi mắt gã khiến cô như đông cứng. Gã đang chờ đợi một sự xác nhận từ cô. Còn cô, cô muốn hét lên rằng cô yêu gã biết chừng nào, nhưng cô chưa bao giờ hy vọng sẽ bị người mình yêu tấn công theo một cách bạo lực như thế này. Gã làm cho cô đau đến tê dại cả người. Bỗng dưng cô nhìn vào mắt gã và ôm mặt khóc nức nở. Đôi mắt gã chỉ có tình dục, không có tình yêu. Cô thấy đau đớn và bất lực, trong khi người đàn ông kia vẫn không ngừng hét vào tai cô:
- Cô thương tôi mà, đúng không? Nói đi!
Gã nhìn cô đầy hy vọng, cho đến khi sự im lặng của cô làm đôi mắt gã cụp xuống rầu rĩ như con thú hoang bị khước từ yêu thương. Cha cô đã kịp đến và nện cho gã một trận. Gã chỉ trân mình ra chịu đòn. Trong khoảnh khắc phải ăn những cú đấm trời giáng vào mặt, gã vẫn hướng đôi mắt khắc khoải về phía cô, cứ như thể cô mà không thương gã thì gã sẽ chết vậy.
Ông già Bảy Sòng hết sức bối rối. Đuổi gã đi thì anh em trong đoàn xiếc không cho, họ nói gã là kho bạc của cả đoàn, mất gã thì chẳng ai xem xiếc nữa. Bảo con gái tránh xa thằng mắc dịch ấy ra thì con nhỏ chỉ quỳ xuống khóc lóc. Ông nằm gác tay lên trán, mắt nhìn xa xăm. Lẽ nào hai mươi năm trước ông cứu gã là một sai lầm. Con gái ông lẽ ra nên nhìn vào tấm gương của mẹ nó, những người phụ nữ dây dưa vào những kẻ lang bạt giang hồ sẽ chỉ rước khổ vào thân. Con gái ông mà lấy thằng Khỉ thì có khác nào lấy một cơn gió. Đàn bà không như đàn ông, không thể cứ rong ruổi rày đây mai đó mãi được. Ông vẫn thường hình dung một ngày, khi ông dừng chân trên một mảnh đất nào đó, sẽ có một anh nông dân, một bác thợ hồ hay một thằng tiều phu thương con gái ông, nó sẽ đón con gái ông ở lại mảnh đất đó, cùng sinh con đẻ cái và lập nghiệp. Không thể để con nhỏ dây vào một thằng làm xiếc như mẹ của nó.
Vì vậy mà trước khi buổi biểu diễn bắt đầu, ông đã tận tay đưa ly nước có pha chất gây buồn ngủ cho thằng Khỉ. Ông vẫn thường làm điều này để trấn an tinh thần gã trước mỗi buổi biểu diễn, dù gã chẳng mấy khi hồi hộp. Nhưng lần này có khác hơn một chút là ly nước có pha thêm một chất làm cho người uống nó phải choáng váng và không thể giữ thăng bằng. Thằng Khỉ đã nhận ly nước từ tay ông. Ông thấy toàn thân mình đang run lên, mồ hôi túa ra.
Gã đưa ly nước lên mũi ngửi rồi hướng con mắt ngạc nhiên sang ông già Bảy. Ông già này thật là vụng về, nếu ông ta muốn giết người thì ông ta nên chọn một loại thuốc nào đó không có mùi, chứ như ly nước này thì vừa mới đưa lên miệng đã thấy mùi thuốc ngủ xộc lên nồng nặc. Gã nhìn ông già cười buồn buồn, ông già này hai mươi năm trước đã hứa sẽ cho gã một cuộc sống vui vẻ và tươi đẹp đây mà. Không chút chần chừ, gã bưng ly nước lên uống ực một hơi không còn một giọt. Xong xuôi, gã bước lên sân khấu, loạng choạng leo lên sợi dây như một con thú bị thương leo lên vách núi. Đám đông khán giả vỗ tay cuồng nhiệt trông chờ vào màn biểu diễn gay cấn của Chúa Khỉ. Gã say rồi, gã thấy trời đất quay cuồng, tim ứa máu. Trong đám đông những người đang vỗ tay kia không có ai là người thân của gã, không có ai đau lòng khi gã chết. Gã sờ tay vào túi quần, mảnh giấy ghi địa chỉ của cha mẹ gã vẫn nằm yên vị trong đó. Gã không đủ dũng khí để đến tìm họ và hỏi rằng tại sao ba mươi bốn năm trước họ đã vứt một đứa trẻ sơ sinh xuống sông, để sau này mỗi khi nhìn thấy sông là đứa trẻ đó chỉ muốn nhảy xuống. Gã muốn khóc quá chừng, nhưng buồn ngủ quá làm sao mà khóc được.
Gã nhắm mắt, nhẹ nhõm rơi xuống. Một tiếng "pặt" khô khốc. Sợi dây thừng bị lật qua một bên, đong đưa trên trần sân khấu. Tiếng la hét. Tiếng chân người chạy hoảng loạn. Ông già Bảy đứng sững sờ như tượng, lại là một cú rơi. Nhưng cú rơi lần này khác hẳn cú rơi hai mươi năm trước, ông sẽ không thể làm gì để cứu lấy con người kia. Gã sẽ chết thật chứ chẳng chơi. Từ phía bên kia cánh gà, cô gái câm đã lao ra giữa sân khấu, xanh mét và bất động như một xác chết. Cô quay sang phía cha, gào lên tức tưởi như để thanh minh, để giải thích, để trách móc, như tiếng kêu nức nở cuối cùng từ cổ họng rướm máu của con chim họa mi.
- Cha! Con yêu anh ấy! Con yêu anh ấy!
Người cha như hoá đá, rụng rời.
Trong khoảnh khắc cuối cùng ấy, gã mở mắt ra và nhìn thấy khuôn mặt tang thương của cô gái. Nền sân khấu đón gã bằng một cú va đập cứng ngắc và lạnh lẽo. Gã thấy cơ thể mình đang tan ra, tan ra… Cô gái kia không còn nói được nữa, cô chỉ nhào đến bên gã, gào thét, hoảng loạn, ôm lấy đầu gã rồi rên lên những tiếng ư ư như chính bản thân mình vừa bị ai đâm một nhát dao chí mạng. Trời ơi, gã đã làm gì thế này? Gã sẽ khiến cho người duy nhất thương mình đau đến nát tim mất…
Truyện Ngắn Của Sa Kha
Share this article :

Đăng nhận xét

 
Support : Tài Liệu Học Tập | Vui Cười | Kỹ Năng
Copyright © 2011. Life To Sharing - All Rights Reserved
Design by Mr.Csmprince Published by SVnet
Proudly powered by Blogger