Có đến hàng chục người đang làm ở những mảnh ruộng gần đó nghe tiếng kêu cứu chạy đến. Họ nhận ra ngay hoàn cảnh đang "ngàn cân treo sợi tóc" của thằng Quân, nhưng cũng đồng thời nhìn thấy hậu quả: Nếu ai liều mình lao xuống dòng nước đang chảy xiết kia thì cũng như thằng Quân, sẽ như khúc gỗ mà thôi. Suối chảy cồn cào, sủi bọt trắng xóa...
- Còn sớm mày đi thả cho tao con trâu.
Thúy quẳng cặp sách xuống giường, rỉ tai thằng em:
- Mày có đi không?
Quân mừng rơn, gật đầu. Chả là cách đây nửa tháng, nó đã tự mình leo được lên lưng con trâu nhà sứt mũi, đến những nơi mà trước đó với đôi chân tật nguyền, nó chỉ có thể đứng nhìn.
Hai chị em dắt con sứt mũi ra. Quân háo hức leo lên lưng nó. Thúy thủng thẳng theo sau. Trời không có nắng, mây âm u. Đồng bãi ven suối sau mấy đợt mưa cỏ xanh mướt mát, vài khóm cúc quỳ đã trổ hoa vàng lốt thốt. Suối rộng hẳn ra, bởi nước nơi đầu nguồn dồn về cuồn cuộn, chật ứ. Đã có năm bảy đứa cùng độ tuổi mười ba, mười bốn như Thúy đang chăn trâu, đốt lửa hun chuột trên đồng.
- Mày có xuống xem chúng nó bắt chuột không? - Thúy hỏi em.
- Không, chị để em chăn trâu cho, chị đi đâu thì đi - Thằng Quân tự tin ngồi trên lưng con sứt mũi trả lời.
Chỉ chờ có thế, cái Thúy lẫn ngay vào đám trẻ đang lúi húi bên bờ ruộng. Còn lại mình Quân, nó thúc con sứt mũi ra bãi cỏ gần đó. Cỏ tốt lợp nhưng con trâu không màng, nó hùng hục đến bên suối vục đầu xuống dòng nước. Thì ra nó khát. Sườn suối dốc, lưng con sứt mũi cũng dốc nên rất khó ngồi. Thằng Quân đang loay hoay tìm cách toài xuống thì bỗng mảng đất dưới chân sụt xuống làm con sứt mũi và Quân rơi ùm xuống suối. Quân hoảng hốt réo gọi chị. Cái Thúy cùng lũ trẻ đang bắt chuột giật mình lao đến. Trước mắt chúng, thằng Quân đang trên lưng trâu, lúc chìm, lúc nổi, như ngụp lặn giữa dòng suối cuồn cuộn chảy. Tính mạng nó thật mong manh. Với cái thân hình chân co, chân duỗi, không bơi lội được, nước quá to, chỉ cần nó trượt khỏi lưng trâu là coi như vô vọng.
- Các bác, các chú ơi cứu em cháu với, cứu em cháu với - Cái Thúy kêu lên thảm thiết.
Có đến hàng chục người đang làm ở những mảnh ruộng gần đó nghe tiếng kêu cứu chạy đến. Họ nhận ra ngay hoàn cảnh đang "ngàn cân treo sợi tóc" của thằng Quân, nhưng cũng đồng thời nhìn thấy hậu quả: Nếu ai liều mình lao xuống dòng nước đang chảy xiết kia thì cũng như thằng Quân, sẽ như khúc gỗ mà thôi. Suối chảy cồn cào, sủi bọt trắng xóa. Từ nơi thượng nguồn đổ về đủ thứ cỏ cây, xác bè, mảng vỡ. Hình như con trâu đã đuối sức, nó chỉ còn biết quờ quạng bơi theo dòng nước chảy dạt dần về phía bờ bên kia. Đám người co lại, ngượng ngùng bất lực, đứng nhìn. Thằng Quân nhầu nhĩ như mớ giẻ sũng nước, vẫn cố bám víu lấy lưng trâu.
Cái Thúy quỳ xuống, níu lấy chân mấy người đàn ông khóc lóc, van lạy. Đám đông đầy lòng trắc ẩn, mà không ai dám nhìn vào gương mặt nó. Hy vọng bỗng lóe lên, thằng Quân và con trâu đã dạt hẳn vào bờ suối, nhưng thật hy hữu - chỗ ấy lại là một hố nước có thành dựng đứng như cái giếng khơi. Con trâu ngu ngốc không biết lối thoát ra, cứ leo lên rồi lại tuột xuống, trầy trật như leo cột mỡ. Thằng Quân vẫn bám chặt sợi dây thừng, chỉ cần có ai đó sang được bờ bên kia là cứu được nó. Có vài người chạy trên bờ suối, bàn chân xéo trên những nhành xấu hổ, họ lấy tay làm loa hướng về phía Quân:
- Cháu phải nắm chặt dây thừng. Phải nắm chặt dây thừng.
Có lẽ đấy là phương án cuối cùng, tối ưu nhất của những người đứng trên bờ dành cho Quân. Nhưng, thằng Quân còn nắm sợi dây thừng được bao lâu? Con trâu cứ trầy trật bò lên, tuột xuống mãi được không? Đúng lúc mọi thứ tưởng đã vô vọng, thì một thanh niên tóc nhuộm sặc sỡ như chú vẹt rừng Amazon, ngồi trên lưng con trâu to kềnh càng xuất hiện. Mấy đứa bé chăn trâu vẫy tay rối rít:
- Cải điên, Cải điên nhanh lên đến cứu thằng khoèo.
Như không nghe thấy, Cải thúc trâu phi thẳng vào đám đông, tay cầm cành bạch đàn vút xuống:
- Tại sao thấy chết mà không cứu. Hãy xem ta đây, hãy xem ta đây.
Đám đông chạy tản ra, có người xuýt xoa vì không may hứng phải nhát vụt cháy lưng. Cải quất trâu chạy dọc bờ suối đến đoạn cúc quỳ mọc rậm rạp, từ trên lưng trâu Cải bật dậy cùng cuộn dây thừng, lao như mũi tên xuống dòng nước xiết.
- Thằng điên. Mày lao xuống đấy là chết thôi con ạ - Có tiếng ai đó cất giọng lạc lõng.
Đám người xôn xao họ chạy ùa về hướng Cải, như đi xem đua xe, bắt cướp với tâm trạng hồi hộp, hiếu kỳ tột độ…
*
Cải là con cả của vợ chồng ông Hiên, bà Lân, người làng Rạch.
Năm hai mươi hai tuổi, thấy con sên bò vào nhà, Cải hét lên hoảng hốt: "Con sên, con sên, khiếp quá", rồi ù té chạy. Cả nhà chẳng ai nói gì, vì có người sợ loài thân mềm nhớt nhát cũng là lẽ thường tình.
Năm hai mươi ba tuổi, vẫn giống sên ấy leo trên thân cây sấu, Cải nhặt nó đặt vào lòng bàn tay, reo: "Bố ơi, mẹ ơi, con rồng nhỏ đáng yêu quá, đáng yêu quá". Vợ chồng ông Hiên nhìn Cải, nhìn nhau hoang mang. Mắt nó nhìn gà hóa cuốc, hay đầu nó có vấn đề? Câu hỏi bỏ ngỏ đến tận năm Cải sang tuổi hai mươi tư, năm cuối của đại học mới có câu trả lời.
Đêm ấy mưa, cái nóng mùa hè đột nhiên hạ thấp hơn mọi ngày đến bốn độ, trời mát như mơ ước, ông Hiên thì thào với vợ: "Cho anh yêu một cái nhé". "Không, em mệt lắm, để hôm khác" - Bà Lân quay mặt vào tường. Không kiểm soát được hưng phấn trào dâng, ông Hiên chồm dậy lật ngửa vợ, kéo tuột cái quần ngủ ra. Đúng lúc đó có tiếng nói như ra lệnh: "Dừng lại ngay, như thế là bạo lực tình dục đấy". Giật nẩy mình, ông Hiên, bà Lân như cùng lúc bật dậy, sững sờ nhận ra bên cạnh giường, anh con trai đứng lù lù như bóng ma. Bà Lân khóc òa: "Ông ơi, thế này là nó bị điên rồi".
Ngay sáng hôm sau Cải được đưa đi nhà thương, bác sĩ khám xong kết luận, Cải bị tâm thần phân liệt, không thể học tiếp được nữa. Thế là mọi mơ ước của Cải vụt tắt, anh lại về ngôi nhà nơi cuối ngõ làng. Sau cả năm điều trị, bệnh tình của Cải chỉ thuyên giảm phần nào chứ không khỏi hẳn được. Như có chu kỳ ma quái, năm ít thì hai, năm nhiều thì ba, bốn lần, bệnh của Cải tái phát. Triệu chứng: Đột nhiên Cải lên thị trấn nhuộm tóc, mang về cái đầu sặc sỡ như chú vẹt rừng Amazon, là đích thị Cải phát bệnh. Những ngày Cải phát bệnh, khổ nhất là vợ chồng ông Hiên, sau đến các bậc thuộc hàng tiên chỉ của làng.
Nhà hàng xóm có mấy cây su su vừa lên mơn mởn, hứa hẹn một mùa bội thu, một sáng tỉnh dậy thấy nó đã bị ai cắt đến tận gốc, héo rũ. Cải chạy sang nói với ông chủ: "Thủ phạm là Lê Thị Lân đấy. Tôi đã chỉ đạo bắt làm bản kiểm điểm rồi, tối nay bà ấy sẽ sang xin lỗi bác". Và đúng thế, tối Cải áp tải mẹ sang. Bà Lân đành phải đỏ mặt đọc bản kiểm điểm dài đến ba trang, và xin lỗi gia đình hàng xóm. Bà ngậm ngùi: "Thằng điên nó dọa, nếu viết chưa được thì phải viết, bao giờ nó thấy được mới thôi". Cả làng bấm bụng mà cười. Thằng điên tố mẹ, không ai gợn một chút hoài nghi nào cho bà Lân cả. Sự kiện ấy qua được hai tháng, bỗng lại bùng phát xôn xao. Ông hàng xóm nhặt được con dao lẫn trong rơm rạ dưới gốc su su. Con dao ấy bán đầy chợ, giống như trăm ngàn con dao khác, không thể nghi ngờ cho ai được. Hôm ông lấy nó ra dùng, ông Hiên đi qua nhìn thấy: "Sao dao nhà tôi lại ở đây?”. Ông hàng xóm sững người, tưởng nghe nhầm, hỏi lại: "Ông bảo gì cơ"?. Ông Hiên đáp chắc nịch: "Tôi bảo con dao ấy là của nhà tôi, vì dưới chuôi chính tôi đã đục cái lỗ để treo". Thế là "lạy ông tôi ở bụi này". Dân làng bàn tán. Người bảo: "Cải điên". Người bảo: "Cải không điên".
Đài truyền thanh của xã tuần phát ba buổi, Cải nghe chẳng sót buổi nào. Có lần nghe xong Cải viết kiến nghị lên chủ tịch xã. Thấy đơn của thằng tâm thần, Chủ tịch xã không thèm đọc, vo viên ném vào thùng rác. Chờ mãi không thấy xã trả lời, Cải lên ủy ban hỏi: "Ông đọc đơn đề nghị của tôi chưa?". Ông chủ tịch xã đến vỗ vai anh: "Tôi đã đọc đơn của cậu, trong tuần này Ủy ban sẽ chỉ đạo đài truyền thanh nghiên cứu, thay đổi giờ phát cho phù hợp. Kiến nghị của cậu xác đáng lắm. Tốt, tốt". Cải nhìn ông chủ tịch xã với ánh mắt lạ lùng, như vừa nhìn thấy người ngoài hành tinh. Anh đứng dậy: "Đúng là đồ điên". Cả phòng khách bật cười, bởi câu ấy lại được phát ra từ miệng một thằng điên. Hôm sau anh nhân viên văn phòng tìm đóm hút thuốc lào, nhặt được đơn kiến nghị của Cải ở trong thùng rác. Tò mò, anh mở ra đọc to cho mọi người nghe: "Thưa ông chủ tịch, căn cứ bản tin của đài truyền thanh, tôi đã thống kê được số các cuộc họp của xã trong quý hai như sau. Tháng tư: Mười hai cuộc. Tháng năm: Chín cuộc. Tháng sáu: Mười bốn cuộc. Qua số liệu ấy, chứng tỏ xã chưa xây dựng được một định mức phù hợp. Vậy tôi đề nghị: Tháng tới xã triệu tập thêm một cuộc họp, để xây dựng một định mức khả thi về họp cho chính quyền thôn, xã"… Cả phòng nhìn nhau. Ông chủ tịch xã đưa tay lên bóp trán: "Thằng Cải viết thế à. Nó có phải điên thật không nhỉ?". Ông hỏi, mà không cần nghe câu trả lời. Anh nhân viên văn phòng nhớ lại câu nói "Đúng là đồ điên" của Cải hôm qua, khôi hài đặt tay lên trán ông địa chính ngồi cạnh: "Xem nào". Ai cũng muốn cười, mà không cười được.
Cải ngủ ngày, đêm lang thang trong ánh đèn đường mờ ảo, nên biết khá nhiều chuyện mà người làng không biết. Đã có lần Cải đến nhà trưởng thôn trình báo tin rất sốc: "Báo cáo ông. Làng này có thằng chuyên trộm cắp". Ông trưởng thôn cười. Cái thằng nhìn con sên hóa con rồng, thì ai đi đêm mà nó chẳng cho là trộm cắp. Ông hỏi đùa: "Có phải là tao không đấy?". "Không phải ông, nhưng chính là thằng Tảo con ông đấy" - Cải nói, chắc như đinh đóng cột. Trưởng thôn nhăn mặt như nhai phải sạn: "Bậy nào". "Sao lại bậy? Ông nói thế là bao che cho con đấy". Đầu trưởng thôn bốc hỏa: "Không bậy thì bằng chứng đâu? Nếu mày đưa ra được thì tao sẽ bỏ tù nó". Cải vén áo lên, lôi trong bụng ra một bọc lông gà còn ướt nhoét: "Đây". Trưởng thôn bật cười, nhìn Cải đầy vẻ thương hại: "Mày đúng là thằng điên. Đây là tang vật chứ đâu phải bằng chứng. Mà tang vật thế này ra bờ ruộng nhặt đầy". Cải thủng thẳng: "Đã hết đâu". Vừa nói Cải vừa thọc tay vào túi quần lấy ra một mảnh giấy, vuốt phẳng đưa cho ông trưởng thôn. Ông trưởng thôn cầm lấy liếc nhanh, giật mình. Đúng là chữ thằng Tảo, con út của ông đang học lớp mười. Không phải là biên bản phạm pháp quả tang, nhưng nó lại là bản tường trình cặn kẽ đến ba lần: Con ông cùng một thằng bạn, vào nhà lão Thu cuối làng bắt trộm gà, ra đồng thịt đắp đất nướng ăn. Mặt ông trưởng thôn tái dại, đành phải dịu giọng. Ông vỗ vai Cải: "Thôi, vì tình làng nghĩa xóm, xin anh để cho bố con tôi đóng cửa bảo nhau". Cải cười ngờ nghệch: "Thế không bỏ tù nữa à?". Không hiểu sao ông trưởng thôn lúc đó cũng bật cười. Cải ra khỏi nhà, ông nhìn theo mà lòng đầy nghi hoặc. Có phải thằng này điên thật không nhỉ?
Ông trưởng thôn chợt nhận ra từ ngày Cải về làng, có lẽ nhiều người đã bị nó bóc mẽ như ông, nên mọi điều, đều có chiều hướng tốt hơn lên.
*
Đám đông dồn lại, tất cả đều dõi mắt xuống dòng suối đang cuồn cuộn đục ngầu để tìm Cải, với niềm hy vọng như ngọn lửa cháy bùng lên. Không thấy bóng dáng của Cải đâu cả.
- Chắc nó lặn sang bờ bên kia - Có tiếng ai đó ngần ngừ.
- Bị cuốn mẹ nó ra sông rồi thì có. Chứ nước xiết cuốn trôi cả gỗ, đá thế này, lặn mà sang được bờ bên kia thì tôi làm con cho ông - Anh thanh niên vác trên vai cái cuốc, lạnh lùng lý giải.
Lời nói của anh ta không khác gì giội nước vào lửa, nhưng khó mà bắt bẻ được. Hy vọng trở nên mong manh hơn. Hàng chục đôi mắt vẫn chăm chăm nhìn xuống dòng suối theo dõi mọi động thái, cố tìm kiếm xem Cải đang ở đâu. Nơi bờ bên kia, chỗ hố nước con trâu sứt mũi vẫn mang theo thằng Quân trên lưng, kiên nhẫn, vô vọng, leo lên trượt xuống.
- Em bám chắc vào, anh Cải đang sang đấy - Cái Thúy hét to.
Ba mươi giây, bốn mươi giây, một phút trôi qua. Sang phút thứ hai, cùng lúc tiếng reo bật lên như phát cuồng:
- Cải kia rồi, Cải kia rồi.
Mọi người đều dồn ánh mắt về bên kia suối. Ngay nơi đối diện chỗ Cải lao mình xuống dòng nước xiết, Cải đã hiện ra như thiên thần, như Taczang. Anh ta đang bám vào cây cúc quỳ để leo lên bờ. Tiếng vỗ tay reo hò được dịp bật lên, xao động cả một khúc suối. Bọn trẻ chăn trâu hét lên không ngần ngại:
- Cải điên cố lên. Cải điên cố lên.
Anh thanh niên vác cuốc trên vai ngượng ngùng:
- Lạ thật. Làm sao mà nó lặn được qua suối nhỉ?
Thằng bé chăn trâu đen nhẻm, xách một xâu chuột đồng đắc ý:
- Chú ơi, dưới chỗ anh Cải điên nhảy xuống có một đường ống.
Mọi người vỡ òa, lúc đó mới nhớ ra. Đúng, ở chỗ ấy có một đường ống bằng kẽm to như bắp đùi chạy qua suối. Chắc Cải đã lặn xuống và theo đường ống ấy sang bờ bên kia. Những người đàn ông bàn tán ồn ào:
- Có thế chứ. Không có cái đường ống, bây giờ chắc phải xuống hạ lưu mà vớt xác thằng Cải.
- Tại sao lúc ấy không ai nhớ ra nhỉ?
Mấy người đàn bà cười tóa lên:
- Vì lúc ấy các ông nhìn thấy nước chảy xiết, sợ thọt cả dái lên cổ còn nhớ được gì nữa.
Một chị đến vỗ vào lưng anh thanh niên vác cuốc:
- Biết có đường ống rồi, các ông sang giúp Cải điên một tay đi.
Suối vẫn cồn cào, hung dữ, cuồn cuộn chảy. Không có ai đáp lại. Mấy người đàn ông đỏ mặt lảng dần. Ở bờ bên kia, Cải điên đã thả sợi dây thừng kéo được thằng Quân lên bờ. Bây giờ anh ta đang tìm cách dắt con trâu ra khỏi hố nước.
Cái Thúy nước mắt nước mũi giàn giụa, nhưng lại nhảy tưng tưng, hò reo như đứa tâm thần:
- Hoan hô anh Cải điên. Hoan hô anh Cải điên.
*
Tin Cải cứu được thằng Quân và con trâu thoát nạn loang nhanh. Thầy giáo Lương được nghe những người chứng kiến kể lại, đã viết một một bài báo với tiêu đề: "Vượt lũ hung dữ cứu em bé tật nguyền" gửi Đài truyền thanh xã để biểu dương, ca ngợi tinh thần dũng cảm và sự nhanh nhạy của Cải. Đang đói tin "Người tốt, việc tốt", ông trưởng đài nhận được bài báo, mừng như trúng xổ số. Ông mở ra thẩm định để phát ngay.
- Làng Rạch có mấy Cải ấy nhỉ? - Ông hỏi cô phát thanh viên đang ngồi cạnh micro.
- Chỉ có một anh Cải điên thôi ạ.
- Thế thì là thằng Cảo rồi. Lão Lương này giáo viên mà vẫn "chữ tác đánh chữ tộ". May mà mình đọc lại, chứ cho phát ngay như mọi lần thì hóa trò đùa mất - Ông trưởng đài gật gù tâm đắc, dùng bút mực đỏ chữa toàn bộ chữ "Cải" thành chữ "Cảo" có trong bài báo.
- Xong. Cô bật micro lên phát đi - Ông trưởng đài đưa tờ giấy cho cô phát thanh viên.
Chiều quê yên ả, mây trôi bồng bềnh, khói bếp thơm nồng lan tỏa. Tiếng loa truyền thanh vang vọng đến từng ngõ xóm. Làng Rạch như có đám cháy, rầm rập bước chân. Những người sáng qua chứng kiến sự việc Cải vượt dòng nước xiết chạy như lao về nơi có cái loa gắn trên cột điện, ngỡ ngàng hỏi nhau:
- Sao lại là Cảo nhỉ?
Cái Thúy như dẫm phải ổ kiến lửa, ré lên:
- Không phải thế, không phải thế. Anh Cải mới đúng, anh Cải mới đúng. Hôm ấy chú Cảo chỉ vác cuốc đứng nhìn.
Thầy giáo Lương vò đầu bứt tai, rít lên:
- Trời ơi là trời!
Cải từ trong ngõ đi ra, vỗ hai tay vào nhau gây sự chú ý:
- Trật tự, trật tự. Ai có ý kiến gì thì giơ tay
Truyện ngắn của Tháp Vân Sơn
Đăng nhận xét