Home » » Nhân chứng bất ngờ

Nhân chứng bất ngờ

Written By Son Nguyen on Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012 | 17:30


Eileen được coi là nhân chứng kỳ lạ nhất trong lịch sử ngành cảnh sát và ngành tư pháp Mỹ.

Nhân chứng bất ngờ

- Eileen, cô cố gắng nhớ lại thêm một lần nữa coi sao.
- Thì tôi đang ráng nhớ đây, thưa bác sĩ. Nhưng tôi không thấy gì hết, ngoài ánh mắt của con gái tôi.
- Có phải chính ánh mắt này khiến cô sợ không? Ánh mắt có gì đặc biệt không?
- Không. Hai mẹ con tôi đang nói chuyện, rồi bất chợt tôi thấy ánh mắt của con tôi, vậy thôi.
- Cô đang nghĩ gì vào lúc bắt gặp ánh mắt của con gái mình?
- Tôi nghĩ nó chỉ mới tám tuổi thôi mà, sao lại có ánh mắt khó tả như thế này?! Nhưng thật là vô lý! Chuyện con gái tôi tám tuổi và ánh mắt của nó đâu có gì khiến tôi phải lo ngại, phải không bác sĩ?
- Biết đâu được, có khi câu trả lời lại bắt đầu từ những chi tiết mơ hồ, thậm chí là vô lý như vậy. Trở lại câu chuyện nhé. Tám tuổi gợi cho cô kỷ niệm gì?
- Không có kỷ niệm gì vào thời con nít ấy… Ồ, mà cũng có… Nhưng vừa xuất hiện điều gì đó hết sức mơ hồ và nó khiến tôi sợ.
- Bữa nay chúng ta nói chuyện như thế là đủ rồi. Tôi biết chúng ta đang đi đúng hướng và tin là cô sẽ tìm lại được kỷ niệm đã quên. Đó mới là nguyên nhân của tất cả vấn đề.
Eileen ngồi dậy, lấy tiền trong ví trả Wilfried Tehorst - một bác sĩ tâm thần nổi tiếng ở Zurich.
Lúc bấy giờ Eileen L. 31 tuổi, quốc tịch Mỹ, theo chồng sang sống tại Thụy Sĩ từ sau khi kết hôn. Từ nhiều tháng nay cô đến nhờ bác sĩ Tehorst thăm khám và điều trị cho chứng bị mất một phần trí nhớ khiến cô bị khủng hoảng thần kinh.
Việc phân tâm đang tiến triển tốt và sắp đem lại kết quả - ít ra đó cũng là điều bác sĩ Tehorst tin. Và ông không lầm.
Trong lần khám chữa bệnh tiếp theo, bỗng Eileen la lên:
- Trời ơi, bác sĩ, tôi biết tại sao tôi hoảng sợ vào hồi tôi tám tuổi rồi. Đó là Susan.
- Susan nào?
- Bạn thân nhất của tôi. Susan đã bị giết chết.
- Bị giết chết? - bác sĩ Tehorst sửng sốt.
- Bị cưỡng hiếp và bị giết. Có phải đây là nguyên nhân khiến tôi bị mất một phần trí nhớ không bác sĩ?
- Chắc là vậy. Hãy kể tôi nghe hồi nhỏ cô sống ở đâu?
- Lúc Susan chết, tôi nhớ là vào năm 1969, chúng tôi sống tại một thị trấn nhỏ mới thành lập thuộc California.
Và Eileen miêu tả thị trấn nằm kề bên Thái Bình Dương với những đầm lầy vừa được san lấp. Cô nói về mẹ mình - bà Leah và về cha - ông George Thomas, làm lính chữa cháy.
- Trước đây cô không nhớ gì về thị trấn này sao?
- Có chứ nhưng rất mơ hồ. Giờ đây tất cả đều hiện ra rõ ràng. Kỳ lạ ghê, nhất là tôi thấy hồ chứa nước ngọt giữa khu rừng trong một khung cảnh rất dễ thương nhưng cái hồ nước lại khiến tôi sợ.
- Không chừng đã có điều gì xảy ra tại đây. Bây giờ cô hãy nghĩ đến Susan. Có phải Susan đã nhìn cô với ánh mắt buồn rầu khiến cô lo sợ không?
- Không, tôi không thấy Susan… Nhưng tôi đang nghe có giọng nói của một người đàn ông: “Lỗi tại mày!”.
- Cô có nhận ra đó là giọng nói của ai không?
- Tiếng của cha tôi chứ ai… Trời đất ơi, khủng khiếp quá. Tôi không muốn nhớ thêm nữa đâu.
- Phải tìm cho ra. Susan chắc là đang ở quanh đâu đó. Cô hãy cố gắng nhìn cô bé ấy. Nhìn coi tóc Susan màu gì, mặc áo gì?
- Tóc vàng cột đuôi ngựa, mặc váy tím, khoác thêm áo choàng màu xanh nước biển… Còn tôi thì đang ngồi trong xe hơi cùng với cha tôi. Ông ấy dẫn tôi cùng đi kiểm tra xem rừng có bảo đảm phòng cháy hay không.
- Cô và ổng đang ở đâu?
- Kế bên hồ. Kìa, tôi thấy Susan đang đi dạo trong rừng. Tôi quay sang nói với cha: “Chở Susan theo để bạn ấy chơi với con đi ba!”.
Ký ức đã trở lại với Eileen nhưng những kỷ niệm khủng khiếp khiến cô phải cố gắng mới thốt nên lời:
- Cha tôi ngừng xe. Ông kêu tôi lên ngồi phía trước, còn một mình ông ngồi ở thùng xe ở phía sau với Susan. Tôi nghe tiếng Susan la hét… Rồi tôi thấy trong kiếng chiếu hậu hình ảnh Susan nằm dưới đất, giãy giụa… Cha tôi cầm vật gì trong tay mà tôi chưa thấy rõ…
Bác sĩ Tehorst không nói gì. Ông biết mình không nên can thiệp vào cơn ác mộng đang diễn lại trong ký ức của Eileen:
- Cha tôi và Susan ra khỏi xe hơi. Váy của Susan rách nát. Cha tôi cầm tay Susan. Cô bé khóc ròng. Tôi không rõ điều gì đã xảy ra. Họ đi vô khu rừng thưa. Tôi chạy theo. Cha tôi cầm một tảng đá lớn đưa lên cao. Ôi, ghê quá!… Chính vào lúc ấy Susan nhìn tôi. Chưa bao giờ tôi thấy một ánh mắt đầy ám ảnh như vậy. Vừa đau khổ, vừa thất vọng và nhất là như muốn hỏi tại sao lại có sự tàn ác này. Susan đưa tay lên che mặt khi cha tôi nện tảng đá xuống…
Eileen phải dừng lại để thở, rồi tiếp:
- Giờ thì cha tôi quay lại phía tôi. Ông cầm tay tôi siết mạnh khiến tôi đau nhói rồi rít lên: “Lỗi tại mày. Tại mày muốn tao chở bạn mày theo. Nếu mày nói ra, ta sẽ giết mày như đã giết con ranh kia!”… Vừa về tới nhà là tôi lên cơn sốt, nằm liệt giường. Khi tôi qua cơn bệnh, bạn bè cho tôi hay Susan đã biến đâu mất. Tôi vẫn hy vọng rồi Susan sẽ trở về nhưng mãi lâu về sau tôi mới hay tin người ta tìm thấy xác Susan trong rừng.
- Hóa ra cô đã mất trí nhớ trong cơn sốt à?
- Tôi nghĩ có thể trước đó, khi ngồi trên xe hơi trở về nhà.
- Cha cô có bị nghi ngờ là thủ phạm không?
- Không, không hề… Bác sĩ, có phải tôi thực sự chứng kiến tội ác, hay chỉ do tôi tưởng tượng mà ra?
- Đó là vấn đề. Theo tôi, cô đã chứng kiến nhưng có thể một phần từ tưởng tượng.
Eileen đã phục hồi trí nhớ nhưng đồng thời cô bị giằng co giữa lương tâm và trách nhiệm. Cô có nên tố cáo cha ruột của mình không? Câu hỏi này, ngày còn thơ cô đã không thể giải đáp. Không biết nên nói ra hay im lặng, cuối cùng cô đã tự ẩn mình bằng cách đánh mất trí nhớ khiến câu hỏi hóc búa kia cũng lặn mất tăm.
Lần này Eileen hỏi ý kiến chồng. Anh khuyên:
- Hãy nghĩ đến sức khỏe của em. Nếu nói ra, em phải đối mặt với những cuộc thẩm vấn, đối chất… ôi thôi đủ thứ. Rồi em còn phải nghĩ đến con gái của chúng mình nữa chứ.
“Con gái à?...”. Bất chợt Eileen miên man nghĩ đến cô bé ngây thơ trong rừng năm xưa, với mớ tóc vàng cột đuôi ngựa và chiếc váy tím… Và hiện rõ mồn một tội ác đáng ghê tởm. Nhưng có thật là cha cô đã phạm tội hay không? Chợt Eileen nghĩ tới Janice, chị của cô. Từ khi mẹ cô qua đời, mỗi khi có chuyện rắc rối, cô đều nhờ chị Janice cho mình lời khuyên. Vậy là cô lập tức nhấc điện thoại gọi đến Janice. Giọng người chị khẳng định chắc nịch:
- Chắc chắn là ổng. Chị vẫn nghĩ chính ổng là thủ phạm. Em biết không, suốt thời dậy thì, chị luôn lo sợ và đề phòng ổng. Ổng thường nhìn chị với ánh mắt lạ lắm.
Eileen không do dự nữa. Cô đáp máy bay về California đối diện với quá khứ.
Cảnh sát trưởng vô cùng kinh ngạc khi nghe Eileen khai câu chuyện xảy ra cách nay đã hơn 20 năm. Ông giở sổ tra cứu lại. Sổ ghi đã xác định có án mạng vào ngày 22-11-1969, thi thể Susan được phát hiện hai tháng sau đó. Nhưng cuộc điều tra đi vào ngõ cụt. Cảnh sát kết luận thủ phạm là một tên bạo dâm tình cờ ghé ngang thị trấn.
Eileen kể đúng về địa điểm gây án là bên bờ hồ, nơi Susan đã bị hiếp. Cô còn tả đúng cả trang phục của nạn nhân, và nhất là về bàn tay phải của cô bé bị dập nát trong cử chỉ cố đưa tay lên đỡ tảng đá. Bác sĩ giải phẫu pháp y ghi rõ chi tiết này. Như vậy lời kể của Eileen hoàn toàn chính xác.
Cảnh sát viên Bill Hensel, người từng điều tra vụ án này nay đã nghỉ hưu, được mời đến gặp Eileen. Ông nói:
- Tôi chưa khi nào nghĩ rằng thủ phạm là kẻ tình cờ đi ngang qua thị trấn mà phải là kẻ sinh sống tại đây. Khi ấy tôi đã hỏi rất nhiều người nhưng không ai cung cấp được chi tiết nào có ích cho cuộc điều tra.
“Quỷ râu xanh” George Thomas F. ra tòa vào đầu năm 1991. Nhân chứng chính, dĩ nhiên là Eileen - con gái của hắn. Các quan tòa tin cô. Họ tin ở sự thật sau hơn 20 năm, bỗng trồi ra khỏi tiềm thức của một người mất trí nhớ. Thủ phạm bị kết án tù chung thân.
Share this article :

Đăng nhận xét

 
Support : Tài Liệu Học Tập | Vui Cười | Kỹ Năng
Copyright © 2011. Life To Sharing - All Rights Reserved
Design by Mr.Csmprince Published by SVnet
Proudly powered by Blogger