Home » » Ba ơi, mình đi đâu?

Ba ơi, mình đi đâu?

Written By Son Nguyen on Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012 | 19:43


Đừng bao giờ nghĩ rằng mình bất hạnh hay con mình tật nguyền, hãy vui vì mình khác... bình thường. Trần Thị Nhung (Cuốn sách của tôi)

Ba ơi, mình đi đâu?

Khi nghe một đứa trẻ thốt lên: "Ba ơi, mình đi đâu?", tôi chắc chắn không có ông bố nào không mỉm cười sung sướng và trả lời con một cách trìu mến rằng: cha con mình đi sở thú, mình đi công viên, mình đi siêu thị, mình đi bơi... Nhưng nếu bạn có những đứa con chỉ lặp đi lặp lại câu hỏi: "Ba ơi, mình đi đâu?" từ khi bập bẹ biết nói đến khi chúng 15 tuổi mà không hề hiểu câu trả lời của bạn thì liệu bạn có thể mỉm cười và đầy trìu mến đáp lời mỗi khi con hỏi?
Bạn sẽ khóc và im lặng với con? Vì bạn đâu có đưa con đi sở thú, đưa con đi bơi hay đi chơi công viên... Bạn chỉ đưa chúng từ nhà đến bệnh viện hay trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật. Bạn đâu có nhiều lựa chọn trả lời cho dù chúng có hỏi trăm lần, ngàn lần. Bạn sẽ đưa chúng cây kẹo mút để chúng thôi không lặp đi lặp lại câu hỏi đó và rồi bạn cũng... im lặng để nuốt ngược nước mắt vào trong?
Jean - Louis Fournier đã không khóc khi ông không chỉ có một đứa trẻ tật nguyền mà có tới hai đứa trẻ thiểu năng. Ông đã viết cuốn sách nhỏ Ba ơi mình đi đâu. Không để dạy cho bạn bất cứ câu trả lời nào khi rơi vào tình trạng giống ông, ông cũng không đưa ra bất cứ lời khuyên hay bài học gì cho bạn. Ông viết cuốn sách nhỏ chỉ với mục đích tặng hai con chim sẻ non nớt là con trai ông như ông đã viết đầy yêu thương và chân tình: "Một cuốn sách ba viết cho các con. Để không ai quên được các con, để các con khộng chỉ hiện hữu trên một bức ảnh trong tấm thẻ chứng nhận tật nguyền".
Là một người cha, ông đã không khóc và im lặng khi nghe Thomas hỏi đi hỏi lại nhiều lần: "Ba ơi, mình đi đâu? Ba ơi, mình đi đâu?" trong khi Mathieu thì liên tuc "brừm brừm" những âm thanh vô nghĩa cùng nước dãi chảy thòng lòng. Vậy ông đã làm gì? Ông làm rất nhiều chuyện tốt đẹp, tận tụy trò chuyện với chúng nhưng ông thú nhận từng có ý tưởng mua hai chai rượu, một chai Butagaz và một chai whisky, uống cạn hai chai, nhắm nghiền mắt lại và tăng tốc hết cỡ khi ông chở hai con và liên tục lắng nghe: "Ba ơi, mình đi đâu" kèm theo âm thanh minh hoa "brừm brừm".
Nếu bạn là một người cha có con bị tật nguyền thì theo Jean, chẳng bao giờ bạn có được cơ hội đeo mũi cà chua để chọc cười con trẻ. Bạn còn không có quyền được cười bởi vì cười được xem như là sở thích xấu xa trọn vẹn nhất của bạn.
Làm cha có khó chăng hay là chuyện dễ như đùa? Có bao giờ bạn giật mình khi thấy con mình vui khi cô giúp việc đến nhà còn bạn về thì bé lại hờ hững? Bạn đã dành đủ thời gian chơi với con, trò chuyện cùng con và quan tâm đến sự phát triển thể lực cũng như trí tuệ của con. Đó chỉ là bạn có một đứa trẻ bình thường, đứa trẻ có thể giận, có thể la hét hoặc ôm hôn, ca hát cùng bạn. Nếu một đứa trẻ ra đời là một điều kỳ diệu thì một đứa trẻ tật nguyền ra đời lại là một điều "kỳ diệu" ngược lại.
Khi con bạn bị tật nguyền, không phải lúc nào bạn cũng phát hiện ra ngay, chuyện đó giống như một điều bất ngờ. Vậy khi bạn làm cha mà phải tiếp nhận điều "kỳ diệu" ngược lại hay điều bất ngờ thì bạn còn có quyền... tự bào chữa cho chính mình: "Ba còn bận bao nhiêu là việc, ba phải đi kiếm tiền chứ con" khi không thể dành ( không muốn) thời gian cho con trẻ?
Đọc Ba ơi, mình đi đâu, tôi rơi nước mắt trong nụ cười cùng Jean - một người cha tự nhận mình có hai bản án tử hình khi lên chức ba. Ông kể chuyện đã làm ba ra sao khi có hai cậu con trai khác với bình thường. Ông không thích gọi con mình là trẻ tật nguyền hay trẻ thiểu năng, ông không thích từ bình thường hay trung bình. Ông cho rằng: "Một đứa bé thì không có quyền xấu xí nên bất chấp thế nào, người ta cũng không được quyền nói nó xấu xí". Thế nên ông gọi con mình là những em bé xinh xắn khác với bình thường.
Ông không xem mình là người cha tốt, thậm chí, ông từng nghĩ rằng ông là người "làm" hỏng các con. Ông xin lỗi hai con vì ông không phải là thiên thần bởi chỉ có thiên thần mới đủ kiên nhẫn với trẻ con khác thường. Thế nhưng những gì ông làm cho các con như mua một chiếc xe cổ Mark VI, 22 mã lực, đẹp như một cỗ xe ngựa bốn bánh sang trọng để hàng ngày đưa đón Thomas và Mathieu đến viện chăm sóc sức khỏe và giáo dục đặc biệt. Chỉ có người cha yêu con thật sự mới luôn xem con mình là những vị hoàng tử, dù rằng chúng có hai cái đầu thật to, lưng còng như cụ già 100 tuổi, u dãi dớt lòng thòng và cứ lặp đi lặp lại: "Ba ơi, mình đi đâu?".
Ông còn tự hào về Thomas, ông thấy con trai mình cũng lém lỉnh và đầy thông thái khi Thomas lừa ba bế nó vào trong "đi ị" vì nó sợ hãi biển. Tôi chợt nhớ đến một anh bạn có con khi tuổi đã cao, anh bảo với tôi, con anh không phải trẻ chậm phát triển, bởi nó luôn chỉ nắm một ngón tay trỏ của anh khi anh dắt cháu đi bộ. Theo anh thì cháu bé phát hiện ra được ngón trỏ là ngón an toàn nhất khi nắm tay ba. Tôi thật sự cầu mong anh đúng và cháu là trẻ bình thường dù rằng lần đầu tiên gặp cháu, tôi cũng ngờ ngợ một điều gì đó khác bình thường ở cháu bé.
Trải lòng mình qua những trang viết kể chuyện thường ngày của hai con trai, về cảm xúc khi nhận những lời nói cũng như hành động biểu hiện sự thương hại từ bạn bè người xa lạ, đến những day dứt, dày vò lương tâm cho rằng lỗi tại chính mình, Jean - Louis Fournier đã viết nên một cuốn sách rất hay, không chỉ làm quà tặng dành cho tất cả các người bố nhân ngày của cha mà còn là quà tặng cho tất cả chúng ta.
Jean - Louis Fournier không tự biến con mình làm trò cười hay một sinh linh đáng thương để mua sự thương hại, mua nước mắt của bạn. Ông gọi "di truyền học" là thuật ngữ khoa học dùng để chỉ sự không may mắn. Ông cười với mọi hành động ngô nghê của con, ông hài hước mọi tình huống có thể khiến người khác hốt hoảng. Ông dạy cho tất cả chúng ta một bài học khi đứng trước trò đùa giỡn quá tay của thượng đế thì hãy mỉm cười to nhất mà bạn có thể vì thượng đế là một gã đùa dai và bị điếc dù bạn có kêu gào hay khóc lóc thảm thiết thì gã ấy vẫn cười và trêu bạn.
Đừng bao giờ nghĩ rằng mình bất hạnh hay con mình tật nguyền, hãy vui vì mình khác... bình thường. Và khóc khi bất hạnh thì thật là bình thường quá đỗi. Bạn có muốn mình bình thường? Bạn có muốn bạn là người ba bình thường trong mắt con bạn? Buông quyển sách nhỏ của Jean xuống, tôi chùi nước mắt và mỉm cười tự nói với chính mình: "Mình sẽ là một người ba khác bình thường".
Làm cha là làm gì ư? Là hãy làm gì đó để luôn luôn nghe con hỏi vào cuối tuần hay lúc bạn rảnh rỗi: "Ba ơi, mình đi đâu?". "Nếu một đứa trẻ cần tự hào về bố mình thì có lẽ các ông bố cũng cần sự ngưỡng mộ của con cái họ".
Share this article :

Đăng nhận xét

 
Support : Tài Liệu Học Tập | Vui Cười | Kỹ Năng
Copyright © 2011. Life To Sharing - All Rights Reserved
Design by Mr.Csmprince Published by SVnet
Proudly powered by Blogger