Home » » Bộ tộc biến đầu người chết thành… “huy chương”

Bộ tộc biến đầu người chết thành… “huy chương”

Written By Son Nguyen on Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012 | 18:09


Giết kẻ thù, cắt đầu của họ và mang về trưng bày như một minh chứng cho chiến thắng đã trở thành một việc làm hết sức bình thường ở những bộ lạc săn đầu người. Tuy nhiên việc thu nhỏ những cái sọ người thành kích cỡ một quả cam rồi đeo lủng lẳng trước ngực như huy chương thì không phải bộ tộc nào cũng dám làm. Đây được biết đến như một trong những “nghệ thuật” độc quyền nhưng cũng không kém phần man rợ của người Jivaro trên đất nước Ecuador.

Đủ loại đầu người
Đủ loại đầu người
Những chiến binh khát máu

Sống tập trung ở lưu vực sông Amazon, người Jivaro được biết đến như một trong những bộ tộc tinh ranh nhất và giết người không ghê tay trong số những bộ tộc da đỏ ở Nam Mỹ. Chính vì vậy, cho tới đầu thế kỷ XX, cuộc sống cũng như bí quyết làm những cái đầu người khô bé như trái cam của người Jivaro, vẫn là một bí ẩn đối với thế giới hiện đại vì chẳng ai dám bén bảng đến lãnh địa của họ hoặc có đến được thì cũng một đi không trở lại.

Cuộc sống của người Jivaro là nỗi ám ảnh về sự hận thù và chết chóc. Họ thường xuyên gây hấn và lao vào những cuộc chiến đẫm máu với các bộ tộc láng giềng hoặc những kẻ xâm phạm lãnh thổ. Đa phần trong những cuộc đổ máu, các chiến binh Jivaro thường ở trong trạng thái tinh thần kích thích và hưng phấn cao độ, chỉ đến khi giết được người và cắt được đầu của kẻ thù thì tinh thần họ mới trở lại bình thường.

Bộ tộc biến đầu người chết thành… “huy chương”
Chiến binh Jivaro
Các nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc khát máu này là do niềm tin mãnh liệt vào thế giới tâm linh và những quan niệm về tín ngưỡng của người Jivaro. Họ tin rằng mỗi một chiến binh đều có một sức mạnh cá nhân thần kỳ. Một chiến binh có thể tăng cường sức mạnh này bằng cách giết thật nhiều người và lấy đầu họ. Khi chiến binh này bị giết thì người cắt được đầu của anh ta sẽ có tất cả sức mạnh mà anh ta có trước đây.

Đồng thời, người Jivaro cũng tin vào quy luật sinh tồn khắc nghiệt của tự nhiên. Họ cho rằng cần phải tiêu diệt các bộ lạc khác để đảm bảo đất đai và nguồn thức ăn cho con cháu mình. Thậm chí những người Jivaro còn đặt ra quy định rằng, một người đàn ông có bao nhiêu con thì anh ta phải giết ít nhất bấy nhiêu người.

Người Jivaro cũng nổi tiếng là một bộ tộc thù dai. Đa số những cuộc chiến của họ đều bắt nguồn từ những mối thù truyền kiếp. Chỉ cần một bộ tộc khác có xung đột với họ, người Jivaro sẽ không bao giờ quên và sẽ trả thù từ đời này sang đang đời khác.

Bộ tộc bất bại hay những kẻ giết người man rợ

Để trở thành một bộ tộc bất khả chiến bại, người Jivaro rất quan tâm đến việc đào tạo con em mình trở thành những chiến binh săn đầu người từ khi còn rất nhỏ. Theo truyền thống của bộ tộc, những bé trai từ 10 đến 11 tuổi đã được coi là một người đàn ông và phải tự ra ngoài săn đầu người. Đồng thời, trước khi có thể tán tỉnh các cô gái trong bộ tộc và tính đến chuyện lập gia đình, các chàng trai phải trải qua một cuộc kiểm tra khắt khe để chứng minh sức mạnh và lòng dũng cảm.

Người Jivaro tin rằng, chỉ khi một người đàn ông có đủ sức khỏe và can đảm, anh ta mới có khả năng bảo vệ gia đình mình. Vì vậy, một trong những nghi lễ bắt buộc là thanh niên Jivaro phải đi qua một thác nước nguy hiểm.

Bộ tộc biến đầu người chết thành… “huy chương”
Đầu người sau khi chế biến.
Họ tin rằng, linh hồn của những người đã chết sẽ ẩn mình trong dòng thác. Việc đi qua dòng thác đó sẽ giúp những chàng trai hấp thu tinh lực của những linh hồn và khiến họ trở nên mạnh mẽ. Cũng chính bởi những yêu cầu nghiêm khắc về sức khỏe này mà đàn ông bộ lạc Jivaro đều cường tráng và dũng mãnh.

Vào thế kỷ XVI, khi thực dân Tây Ban Nha xâm lược Châu Mỹ, họ nhận thấy bộ lạc Jivaro là một trở ngại lớn và cần phải tiêu diệt. Mọi việc tưởng chừng như dễ dàng khi thực dân Tây Ban Nha có ưu thế hơn về vũ khí và trang thiết bị hiện đại, nhưng tất cả không đủ để khuất phục những chiến binh dũng mãnh.

Người Jivaro đã giết được khoảng 25.000 người da trắng. Thậm chí họ còn bắt sống một nhà truyền giáo và đổ vàng nóng chảy vào miệng ông này cho đến chết. Việc làm trên đã khiến người Tây Ban Nha căm phẫn và tìm mọi cách thảm sát người Jivaro nhưng mọi cố gắng chỉ là vô ích khi ngày càng có thêm nhiều người da trắng bị bộ lạc này tiêu diệt.
Jivaro đã trở thành bộ lạc duy nhất thành công trong việc chống lại sự đô hộ của Tây Ban Nha và mỗi khi nhắc đến bộ lạc này, người Tây Ban Nha không gọi là Jivaro mà gọi là “những kẻ giết người man rợ”.

Rợn người với công đoạn làm… “đầu người khô” 

Việc đeo những chiếc đầu của kè thù lủng lẳng bên người hoặc treo ở nhà để ngắm dường như là sở thích chung của những chiến binh săn đầu người. Vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên, những binh sỹ nhà Tần, Trung Quốc đã cắt đầu của những kẻ bại trận và đeo quanh thắt lưng để làm nhụt chí của kẻ thù trong trận chiến. Những chiến binh người Celt ở Châu Âu thường treo đầu người mà anh ta giết được ở lối vào nhà mình để đe dọa những người khác chớ có gây sự.

Với người Jivaro, họ thường đeo những chiếc đầu người đã teo nhỏ như đeo những chiếc huy chương trước ngực vào những dịp lễ trọng đại của bộ tộc. Ai có càng nhiều “huy chương”, kẻ đó càng mạnh và được trọng vọng.

Việc chế biến những chiếc huy chương đầu người là một quy trình vô cùng rùng rợn và phức tạp. Những người không thuộc bộ lạc này sẽ bị giết thẳng tay nếu biết được những bí mật trong công đoạn thu nhỏ đầu người này. Việc này cũng đòi hỏi những quy định rất nghiêm ngặt cũng như sự cận thận và tỉ mẩn của người thực hiện.

Những chiến binh tham gia vào quy trình này không được ăn thịt hoặc gần gũi phụ nữ cho đến khi công việc được hoàn thành. Khi chiếc đầu khô quắt lại, các chiến binh sẽ nhồi rơm rạ hoặc cỏ khô làm cho cái đầu căng tròn lên, rồi sau đó khâu chặt mắt và mồm của cái đầu lại.

Người Jivaro tin rằng những người bị họ giết luôn tìm cách báo thù hoặc báo cho người thân của họ để trả thù. Vì vậy việc khâu mắt và mồm của những cái đầu sẽ khiến cho sự thù hận bị giữ chặt trong cái đầu đó và không thể thoát ra ngoài được.

Để tô điểm cho cái đầu thêm sinh động, các chiến binh gắn những sợi tơ đã được nhuộm đen để làm tóc hoặc bôi nước màu lên khuôn mặt cho thêm phần màu sắc. Hầu hết những khuôn mặt vẫn giữ được những nét đặc trưng dù phải trải qua nhiều công đoạn chế biến phức tạp.

Tích cực giết người để bán cho du khách

Vào cuối thế lỷ 19, những người Châu Âu và người Mỹ đã biết đến câu chuyện về người Jivaro và những phong tục kinh dị của họ. Kể từ đó, họ bắt đầu lùng mua những cái đầu khô teo tóp để thỏa mãn tính tò mò. Giá bán của một cái đầu người vào năm 1930 là 25USD.

Bộ tộc biến đầu người chết thành… “huy chương”
Một đầu người trưng bày ở bảo tàng
Ban đầu, những người Jivaros dùng cung tên, giáo mác hoặc những mũi tên đầu bọc đồng có tẩm độc để tiêu diệt kẻ thù. Tuy nhiên với đầu óc nhạy bén, những người đàn ông trong bộ lạc đã nhận thấy nguồn lợi từ việc bán đầu người. Với số tiền bán được, họ dùng để mua súng và súng giúp họ giết kẻ thù dễ dàng hơn. Nhiều người bị giết đồng nghĩa với việc người Jivaro càng có nhiều mối thù hơn và họ càng lao vào những cuộc chiến liên miên như là nguồn chính để lấy đầu người và là hiệu ứng của sự khát máu.

Mặc dù vậy, nhiều khi đã giết chết được nạn nhân nhưng các chiến binh lại không thể lấy được đầu. Đó là khi người chiến binh được lệnh phải rút lui hay nạn nhân có quan hệ họ hàng với họ thì việc lấy đầu bị coi là vi phạm đạo đức. Trong những trường hợp đó, người ta có thể dùng một cái đầu của con lười để thay thế vì người Jivaro tin rằng con người có nguồn gốc từ động vật, đặc biệt là con lười.

Trước thực trạng số lượng các vụ thảm sát ngày một tăng, chính phủ Ecuador đã phải ban hành luật nghiêm cấm việc mua và bán đầu người. Sau đó, năm 1940 chính phủ Mỹ cũng cấm nhập khẩu đầu người vào nước này.

Ngày nay, người Jivaro đã không chọn phương thức giết người ở những bộ lạc khác để đảm bảo kế sinh tồn của mình. Thay vào đó, bộ lạc này đã hồ hởi đón chào những du khách đến thăm quan và khám phá vùng đất của họ. “Bộ lạc giết người man rợ” dường như đã thành một phần nào đó xa xôi trong ký ức của người Jivaro.


Share this article :

Đăng nhận xét

 
Support : Tài Liệu Học Tập | Vui Cười | Kỹ Năng
Copyright © 2011. Life To Sharing - All Rights Reserved
Design by Mr.Csmprince Published by SVnet
Proudly powered by Blogger