Từ lúc sinh ra đến khi chết, đời người gắn liền với nhiều nghi lễ: thành sinh, thành niên, thành thân, thành nghiệp và cuối cùng là trở về với cát bụi! Trong các nghi lễ trên, nghi lễ phức tạp và thiêng liêng nhất là lễ tiễn đưa con người về nơi an nghỉ cuối cùng.
Phát hiện ở Trung Quốc và…
Người ta cho rằng vách núi hay hang động trên cao là nơi yên tĩnh, thích hợp để linh hồn yên nghỉ. Quan tài có muôn hình vạn dạng, thường được làm bằng gỗ. Có quan tài được dựng đứng theo chiều cao núi, có cái thì lại đặt trong hang hoặc đặt trên mỏm núi. Quan tài được huyền táng ở những nơi hiểm trở sẽ không bị ai phá hoại, không bị nước ngấm, không bị thối rữa, thi thể người chết sẽ được bảo lưu mãi mãi và linh hồn được siêu thoát vĩnh hằng.
Câu chuyện được lưu truyền rằng theo tập tục cổ xưa, một số dân tộc thiểu số ở Tây Nam, Tứ Xuyên và Vân Nam (Trung Quốc), nhất là người dân tộc Bo, thường mai táng cho người chết bằng quan tài treo trên vách núi. Trong làng Xinjian, thị trấn Jiusi, huyện Xingwen, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc hiện còn hơn 100 chiếc quan tài treo trên vách núi. Phúc Kiến được xem là nơi có lịch sử huyền táng lâu đời nhất Trung Quốc (cách đây khoảng 3.000 năm), nơi có nhiều di tích huyền táng nhất là núi Võ Di. Quan tài được huyền táng có nhiều hình dáng: dạng thuyền độc mộc, dạng hộp, dạng rương được khoét rỗng từ một súc gỗ nguyên khối. Với những người không may qua đời, người xưa phải làm các giá đỡ để treo quan tài hay đặt quan tài vào các hang thiên nhiên lộ thiên cách mặt đất từ 20 đến hơn 100 mét, cái cao nhất được phát hiện cỡ 130m. Cho đến nay câu hỏi làm thế nào mà cư dân cổ đại có thể tạo ra những nghĩa địa chôn cất trên vách núi dựng đứng như vậy đã đưa ra nhiều giả thuyết trong giới khoa học.
Làm giàn giáo để đưa những cỗ quan tài lên cao? Khó, bởi người dân tộc thiểu số xưa kia rất khó có thể nghĩ ra cách này, cũng như cho tới nay, chưa phát hiện được một bằng chứng hay dấu vết cụ thể chứng tỏ cách thức này được tiến hành. Giải pháp được coi là thuyết phục nhất là sử dụng những sợi dây thừng được bện thật chắc, đưa những chiếc quan tài không phải từ dưới thấp từ mặt đất lên mà từ trên cao xuống thấp nơi các vách đá đang chờ sẵn. Nghe có vẻ hợp lý với khả năng của người thời xưa.
… ở các quốc gia khác
Huyền táng cũng là một nghi lễ chôn cất truyền thống đã tồn tại hàng nghìn năm qua của người dân tại vùng Sagada, Philippines. Sau khi mất, gia đình sẽ đặt người chết vào trong chiếc quan tài và mang đến một hang động để an táng. Nhưng thay vì được chôn xuống dưới đất, chiếc quan tài lại được treo trên các vách đá trong hang động. Theo quan niệm của người dân ở đây, những chiếc quan tài được treo trên những vách núi dựng đứng để người đã khuất có thể ở gần với Thượng đế và tổ tiên của mình hơn. Do ảnh hưởng của thiên nhiên, những chiếc quan tài cũng cũ dần, nó bị hỏng và rơi xuống, người ta lại đặt chúng vào những vị trí thấp hơn. Hầu hết những chiếc quan tài mới có kích thước lớn hơn và màu sắc sặc sỡ hơn.
Khi đến với bộ tộc Toraja trên đất nước Indonesia, sẽ thấy phía cao trên những vách đá vôi là những cảnh tượng thật kỳ quái, đó là những cỗ quan tài được treo lên bằng những sợi dây thừng, dưới mặt đất là nhiều mảnh xương cùng với những sợi dây thừng, quan tài mục nát bị rơi xuống. Người Toraja có một số nghi lễ chôn cất và mai táng cực kỳ rùng rợn, nhưng trên tất cả, điều họ muốn hướng đến là tiễn đưa những người đã khuất vào một nơi xa xôi và giàu có bên kia thế giới. Nghi lễ và an táng cũng có khả năng không diễn ra ngay lập tức sau khi người đã chết, thậm chí có thể được tổ chức vào thời điểm… vài năm sau đó, trong thời gian này, xác sẽ được bọc trong những bộ quần áo để bên dưới “tongkonan” hay ở nhà.
Trong một vách núi đá vôi cách mặt đất khoảng 50m, những hang động đào sâu là nơi trưng bày “Tau Tau”, hay còn gọi là người gỗ, được dùng để canh chừng khắp vùng đất xung quanh đây. Các quan tài được đặt bên trong hang động cùng với những hình nộm Tau Tau ở phía trước. Hang chôn cất càng cao, người chết càng có thân phận cao quí. Dân thường và người nghèo chỉ được chôn trong những hang động nhỏ và khe hở phía dưới vách núi.
Một hình thức khác nằm trong nghi lễ chôn cất của bộ tộc Toraja chính là treo các quan tài trên bề mặt vách đá bằng những sợi dây thừng. Những quan tài sẽ được treo ở đây cho đến khi các sợi dây thừng bị mục nát và rơi xuống. Thông thường, quan tài chứa đựng những thứ mà người chết cần phải có cho cuộc hành trình đến thế giới bên kia của họ.
Và cả ở Việt Nam
Vùng đất Thanh Hóa được biết đến với một mảnh đất có nhiều câu chuyện đầy sự bí ẩn, gây tò mò cho du khách thập phương. Năm 2007, người dân phát hiện nhiều quan tài cổ nằm cheo leo trên những đỉnh núi cao tại huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Từ thành phố Thanh Hóa ngược đường rừng hơn 150km về bản Muỗng, xã Trung Xuân, huyện miền núi Quan Sơn, rồi vượt sông Lò sang đến chân núi Pha Dờn đường lên đỉnh núi cực kỳ hiểm trở, phải dùng dây thừng leo qua vách đá dựng đứng, cao hàng chục mét. Hang Pha Dờn rộng lớn, sâu gần 20m, nhiều hang nhỏ. Ở đó có hơn 30 bộ quan tài nằm lộn xộn, không còn nguyên vẹn do thời gian phong hóa và sự xâm hại của con người. Đây là các bộ quan tài làm bằng thân cây gỗ to đủ loại chẻ đôi ghép lại. Cứ hai miếng ghép thành bộ quan tài và bên trong được khoét rỗng để đặt thi thể người chết. Theo dân địa phương cho biết thì trên đỉnh Pha Dờn còn mấy hang động cũng có quan tài cổ với hàng chục bộ quan tài lớn nhỏ bị mục nát và nằm ngổn ngang khắp từ cửa hang vào sâu bên trong. Sự việc gây chú ý, tò mò trong dư luận, giới khoa học, nhà nghiên cứu và cơ quan chức năng vẫn chưa thể lý giải được ai là chủ nhân của những bộ quan tài này và làm cách nào có thể đưa người chết lên đây để mai táng.
Huyện Quan Sơn có bốn dân tộc: Thái, Mường, Mông, Kinh, với nhiều đặc trưng văn hóa độc đáo khác nhau. Số quan tài vừa nêu trên có thể là hình thức an táng cách đây hàng trăm năm. Liệu chủ nhân của những quan tài này là người Thái cổ? Vì người Thái từng sống ở đây rất lâu đời, những hang động phát hiện ở các xã Trung Xuân, Trung Thượng đều thuộc đất Mường Chự, tổng Cổ Nam, Mường Ca Da của người Thái xưa.
Ông Hà Văn Hùng - Phó chủ tịch UBND xã Trung Xuân khẳng định: “Người Thái có phong tục đục thân gỗ làm hòm, chôn cất người chết. Hiện nay trong mỗi gia đình, đặc biệt nhà có người từ độ tuổi 50 trở lên phải có ít nhất 1 - 2 bộ hòm đục bằng thân cây gỗ tốt để dự phòng. Hình thức mai táng người chết trong các thân gỗ của các cỗ quan tài cổ ở cái hang trên đỉnh Phả Dờn tương đối giống với hình thức mai táng của người Thái. Vì vậy, có thể nói chủ nhân của các bộ quan tài cổ này là người Thái”. Tuy nhiên, theo ông Hà Văn Khái - trưởng bản Muỗng: “Ngày xưa, ở đây có nhiều dân tộc sinh sống, trong đó có người Thái. Nhiều dân tộc bị tàn sát và phải ẩn nấp vào các hang núi, nên cũng không biết những chiếc quan tài đó là của tộc nào”. Các bộ quan tài cổ trên hiện chưa xác minh được chủ nhân là ai và có niên đại bao nhiêu năm. Các cơ quan chức năng còn đang nghiên cứu giám định.
Tháng 5-2010, một đoàn khảo sát cũng đã phát hiện thêm gần 20 bộ ở hang Pha Quen, xã Trung Thượng. Quan tài cũng có kích thước như quan tài cổ ở hang Pha Dờn, nhưng bên trong chứa xương người, ché rượu cần, các vật dụng sinh hoạt của người xưa...
Cách đây 10 năm, một hang động trên ngọn núi thuộc địa phận thôn Khung, xã Thiết Kế, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, ở độ cao khoảng 200 mét tính từ chân núi cũng được người dân địa phương phát hiện. Trong hang có chiều rộng và chiều sâu khoảng 10 mét chứa những cỗ quan tài cổ và nhiều mẩu xương thú lạ. Trước cửa hang là một xương đầu trâu được đặt ngay ngắn trên một phiến đá lớn, cạnh đó là 6 bộ quan tài nằm ngổn ngang, tất cả đều không còn nguyên vẹn. Cái nhỏ nhất dài khoảng 2,5 mét, rộng khoảng 0,5 mét; cái lớn nhất dài khoảng 3,5 mét và rộng khoảng 0,7 mét.
Người dân thôn Khung không một ai biết rõ về lịch sử hang. Điều kỳ lạ là đường lên hang vô cùng hiểm trở với những vách đá dựng đứng. Khó đi là vậy, người đi không còn phải leo trèo rất vất vả, mà trong hang lại có những bộ quan tài to lớn, đặt lưng chừng cheo leo. Liệu đây có phải là hình thức mai táng theo hình thức mai táng treo cổ xưa mà tục gọi là huyền táng - tức mai táng trong hang đá. Khi người ốm sắp chết, người ta làm quan tài bằng thân cây khoét rỗng đặt ở trong hang, sau khi người chết rồi sẽ mang thi hài cho vào quan tài rồi để trong hang. Đi liền với tục huyền táng là tục chia của cho người chết mà cụ thể ở đây là công cụ lao động, đồ dùng và của cải nữa.
Đăng nhận xét