Có những kẻ muốn mình là 'người thành phố' mà cố tình quên đi nguồn gốc của mình. Chich
Cho đến bây giờ, Chich cũng chưa thể xác định được khái niệm nào đang gắn với mình: "Người thành phố" hay "Người nhà quê"? Nói Chich là người thành phố thì cũng chả phải vì Chich sinh ra ở quê, bố mẹ, ông bà, họ hàng đều là người nhà quê. Chich lớn lên dưới những cây mít, những đống rơm, những mùi của đồng ruộng. Nói Chich là người nhà quê chắc nhiều người cũng không đồng ý vì Chich đang sống trên thành phố, đang có trong mình những cái lạnh lùng, vô cảm của người thành phố.
Hàng ngày, Chich đi làm như một cỗ máy, vẫn hít đều bụi và khói xăng. Cũng đã quen với cảnh tắc đường, quen với ồn ào, xô bồ, vội vã, lố lăng và cũng đã học được một chút cái cách để mình trở nên sang trọng, lịch sự trước mắt mọi người. Bước chân theo bố mẹ lên thành phố từ hồi ba tuổi, suốt thời gian sống ở cái nơi xe cộ tấp nập, nhà cửa san sát đó, Chich chỉ thấy người ta tập làm "người thành phố", cấm có thấy ai tập làm "người nhà quê" bao giờ.
Chich đã chứng kiến đủ kiểu tập làm người thành phố của mọi người. Bắt đầu từ thời sinh viên. Nếu ai tinh ý một chút sẽ thấy những cô sinh viên của năm thứ nhất khác rất nhiều so với những bà chị năm thứ ba, thứ tư. Họ khác từ vẻ bên ngoài, khác màu tóc, khác quần áo... Tập làm người thành phố, có nghĩa là họ sẽ về quê thưa đi, bắt đầu nhìn chính mẹ mình bằng con mắt xa lạ dần. Khó tin nhưng có thật đấy.
Chich có biết hai chị em nhà nọ. Lên thành phố được 4 năm mà khi về quê họ không dám vào WC của nhà mình vì chê nó hôi thối. Cứ mỗi lần về quê là hai chị em lại sang nhà cô chị hàng xóm "hái hoa" hay "đi vũ trụ" nhờ. Bố mẹ cố lắm cũng không thể xây được WC tự hoại vì tiền còn để nuôi hai cô ăn học trên phố. "Người thành phố" sạch quá. Mỉa mai thay!
Lại có những kẻ muốn mình là "người thành phố" mà cố tình quên đi nguồn gốc của mình. Có những kẻ chật vật "mò mặt" ra thành phố, sống trong khu nhà trọ thấp lè tè của những người nhập cư mà khi về quê, họ huênh hoang không tưởng. Ở thành phố có đói vàng mắt ra nhưng khi từ thành phố về, cũng phải quần nọ, áo kia, phải mượn cho đủ bộ về khoe mẽ với người làng.
Họ ném những cái nhìn dè bửu, những cái cười nửa miệng, cái nhăn mặt khó chịu vào chính nơi họ đã sinh ra. Họ nghĩ họ là "người thành phố" mà! Họ kể về những phố nọ, ngõ kia trên thành phố. Họ kể về những bữa nhậu hàng triệu bạc. Họ bắt đầu so sánh từ ăn, mặc, ở đến chuyện đi tiểu tiện. Và trong bất cứ ví dụ so sánh nào, họ cũng không quên nói vài câu tôn vinh "người thành phố".
Tập làm "người thành phố" là bắt đầu tập đối phó với những gian xảo, lừa lọc. Đối phó xong biết gian xảo và lừa lọc là vừa. Tập làm "người thành phố" là bắt đầu tập cách vô cảm trước những chuyện của người khác. Chich thấy buồn lắm, buồn khi thấy khu tập thể nhà thằng bạn Chich, người ta sống với nhau sát vách mà không biết nhau. Hàng xóm có người mất mà sáng ra người ta vẫn đi làm, tối về vẫn nghe nhạc như thường ngày.
Tập làm "người thành phố" là phải biết nói ra các cụm từ "tham như nông dân" (trong khi bố họ là nông dân), "con nhà quê", "hai lúa"... Tập làm "người thành phố" là phải biết tỏ thái độ lạ lẫm trước cái cuốc, cái cày, cái sàng, cái mẹt (thứ mà trước kia quá quen thuộc với họ), phải tập quên tát nước, gặt lúa, nhổ mạ (những việc mà trước đây, ngày nào họ cũng làm)...
Giờ Chich đang ở điểm giao thoa "nửa quê, nửa tỉnh", "giở ông, giở thằng". Chich quyết định tập làm "người nhà quê" để sống tình cảm hơn, để thật thà, chịu khó, biết quý đồng tiền hơn. Chich sợ cái kiểu học đòi làm "người thành phố" lắm rồi.
Đăng nhận xét