Mưa. Những hạt mưa xuân bay lất phất, lành lạnh. Sao mưa dễ khiến người ta buồn đến vậy. Ngay cả những hạt nhỏ li ti cũng đủ níu bao nỗi niềm trĩu nặng lòng người …
Mùa xuân cũng những hạt mưa xuân bay nhè nhẹ. Hết học kì I, hắn xin cô chuyển lên ngồi bàn đầu ngay cạnh em, với lý do “nhìn cho rõ” (!?). Lũ bạn thì biết tỏng tòng tong. Sự đột phá táo tợn của hắn làm bùng nổ những lời thì thầm, lào xào bấy lâu nay. Chúng nó trêu em một cách công khai và dữ dội. Với bản lĩnh của một kẻ “chưa biết yêu là gì”, em hiên ngang đối đầu với tất cả mọi lời trêu chọc cũng như những lời chất vấn của mấy con bạn thân. Em khăng khăng:” Không có gì cả. Bình thường thôi!” Nhưng hắn thì quá rõ ràng: chết mê chết mệt.
Hắn bỗng nhiên quan tâm đến em một cách đặc biệt, từ những bài toán, lí cỏn con cũng quay sang: “ Có hiểu không? Chỗ nào chưa hiểu thì cứ hỏi. ” Bạn bè vẫn thường gọi hắn là “gia sư”, nhưng cho đến tận bây giờ em mới hiểu nghĩa của cái biệt danh ấy là gì. Vào những ngày tiết trời đổ rét, dù em đã đến lớp với một cái áo khoác to sụ, hắn vẫn nhìn với vẻ ái ngại: “ Lạnh lắm không?”. Em chun mũi xuýt xoa: “Lạnh, lạnh quá”, rồi ngúc ngắc cái đầu nhìn hắn. Bao tia ấm nồng nàn chiếu vào em, nóng rực, đến đỏ bừng cả mặt…
Nhưng em vẫn hồn nhiên gọi hắn là “ người lớn” cũng như hắn gọi em là “cô bé” hay “nàng công chúa bé nhỏ”. Càng ngày, em càng trở nên bướng bỉnh và ngang ngược , xem như việc nhịn nhường của hắn là một lẽ tất nhiên.
Hắn đến lớp muộn hơn em, bao giờ chả thế. Nhưng hôm nay, trên tay hắn là một chùm hoa bưởi. Điệu đàng quá, con trai mà cũng bày đặt cầm hoa! Em chặn hắn ngay đầu bàn, tay chống nạnh, tay chĩa về phía hắn, mắt “lơ đễnh” ngó lơ hướng khác. Hắn ngạc nhiên với điệu bộ lạ lùng ấy của em. Mặc, em hất đầu: "Liều liệu nộp ngay đây cho bản cô nương, không thì đừng hòng bước vào!” Hắn chợt hiểu, cười và đặt vào tay em những bông hoa bưởi trắng muốt đó: “Của bé này!”. Xì, chẳng thèm bắt bẻ làm gì cho mệt, em ngắt một bông chia cho cô bạn bàn dưới rồi thích thú hít hà với chiến lợi phẩm vừa thu được.
Từ hôm đó, ngày nào đến lớp, hắn cũng phải “cống nạp” cho em một chùm hoa bưởi thơm nức. Còn em lại hí hửng san một nửa cho cô bạn – người đã nhường cho hắn cái chỗ ngồi “quí giá” ấy.
Hết hoa bưởi là đến mùa hoa xoan. Đó là loài hoa em thích nhất. Hắn biết thế, bởi vì em nói vậy. Ngày sinh nhật em, hắn tặng em một bó hoa xoan tim tím, kết trong giấy bóng kính của màu tím thật đẹp. Tụi bạn bảo hắn là thằng khùng. Nhưng em thì vui lắm. Vui đến nỗi quên cả “hỏi thăm” vết xước mới xuất hiện trên tay hắn.
Hết mùa hoa xoan lại đến mùa hoa phượng. Ấy là mùa thi. Tất cả đều bận rộn. Em cũng bớt đanh đá và bướng bỉnh. Những đôi mắt thức khuya thâm quắng, mệt mỏi. Hắn vẫn dành chút thời gian hỏi han chuyện ôn thì và nhắc nhở em giữ gìn sức khỏe … Thế rồi ngày chia tay cũng đến, điều mà chẳng mấy ai trông đợi. Nhìn hắn lặng lẽ, buồn xo, một thoáng chạnh lòng nhưng em lại mải mê với việc ký những dòng lưu niệm lên áo mọi người. Đến khi nghe tiếng trống trường giòn giã, em ới nhận ra mình chưa để lại cái gì làm kỷ niệm cho hắn. Cũng may, nhà trường cho khối mười hai ở lai thêm chút nữa. Cả lớp nhao nhao chụp ảnh. Hắn đã đứng cạnh em tự lúc nào. Vẫn cái giọng ấm áp hằng ngày quen thuộc nhưng hôm nay cách xưng hô đã khác. Hắn gọi tên, nghe là lạ. Có điều gì đó mà hắn cứ ấp a ấp úng. Em không dám cười, mà cũng chẳng thể cười nổi. Hắn đặt vào tay em một bông hồng đỏ thắm. Một tia sáng chớp loè. Em giật mình, thằng bạn nháy mắt cười lém lỉnh …
Một hạt mưa đậu xuống làn môi em, ngọt mát. Ai bảo mưa “vô tình”? Chính lòng người “vô tình” quá đấy thôi. Kỷ niệm qua đi rồi, mới thấy nó êm đềm và thật đẹp … Không biết giờ này, ở phương trời xa xôi ấy, có mưa rơi? Và ai đó có da diết nhớ về cái cô bé ương ương, ngạnh ngạnh, cũng như bây giờ, cô bé đang tha thiết nhớ về người ấy cùng kỷ niệm đã qua. Và bông hồng, em đã gân cổ cãi đó là vật vô tri, vô nghĩa, chẳng thể nói lên một điều gì hết. Nhưng em vẫn tỉ mẩn ép nó vào trang vở. Bởi đó là bông hồng đẹp nhất, một bông hồng mà giờ này em tin rằng nó chính là bức thông điệp: thông-điệp-tình-yêu!
Hoa Du
Đăng nhận xét