Home » » Cạn

Cạn

Written By Son Nguyen on Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012 | 22:28


Cạn, cạn đến tận cùng rồi chăng khi tình và nghĩa cũng không còn, khi những vụ án thương tâm và mức độ dã man ngày càng vượt tầm kiểm soát.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Dường như chúng ta đang sống trong sự kiệt quệ khi khoáng sản bị khai thác triệt để, động vật quý hiếm bị săn bắn vô độ và mối nguy ngoại bang lâm le xâm chiếm. Đó là chưa kể đến nguồn chất xám của chúng ta, khi mà ý tưởng ngày một cạn dần, khi trào lưu đạo văn, đạo nhạc tràn lan. Cạn, cạn đến tận cùng rồi chăng khi tình và nghĩa cũng không còn, khi những vụ án thương tâm và mức độ dã man ngày càng vượt tầm kiểm soát.
Mấy bữa nay giá xăng vẫn không ngừng leo thang, hai vai chúng ta như bị đè thêm đá cho các mối lo toan thắt chặt thu chi. Sờ vào túi quần, bóp chặt những đồng bạc lẻ, cạn túi rồi đây. Chợt nhớ những bài phát biểu có cánh, vẫn nhớ đâu đó lời hứa hẹn giảm giá thành, bình ổn giá cho người dân. Nhưng hình như "lời có cánh" thì không dừng ở đâu được, nó phải bay và nó đã bay thật sự, bay cao cùng giá xăng dầu, giá điện nước và muôn nghìn giá phí khác. Người dân ca thán cạn lời, báo chí viết bài cạn mực nhưng mọi thứ vẫn như cũ, âu cũng là "luật bất thành văn".
Buồn, tự nhiên buồn lạ. Cũng là những con người cả thôi nhưng sao có nhiều điểm khác biệt đến thế. Đọc đâu đó câu châm biếm khá thú vị thế này: "Người Mỹ nói là làm, người Trung Quốc không nói nhưng làm, người Việt Nam nói một đằng làm một nẻo". Đọc rồi phá lên cười, cười chua chát.
Viết đến đây, mạch cảm xúc của tôi bị nghẽn lại, chắc cạn ý hoặc giả viết tiếp cũng trở thành một vòng luẩn quẩn không lối ra. Nhiều khi tự an ủi bản thân hãy nhìn về phía trước, mặt trời vẫn tỏa nắng, trái đất vẫn quay và đời còn đẹp lắm. Nhưng đôi khi cảm giác như mình đang lừa dối bản thân, đang sống trong mộng mị khi thực tế mỗi ngày đầy biến động.
Chúng ta luôn tự hào về truyền thống cha ông kiên cường bất khuất, về tinh thần chịu thương chịu khó, về lịch sử hào hùng. Nhưng thế hệ chúng ta làm được gì để kế thừa cha ông? Những chiếc huy chương Olympic thưa dần và rơi rụng hết, những chính sách bồi dưỡng nhân tài, xây dựng nhà tình thương vắng dần, thay vào đó là việc tài trợ cho các cuộc thi sắc đẹp. Liệu việc đầu tư cho các người đẹp có mang lại giá trị gì cho đất nước hay không?
Tôi tự hỏi cho đến lúc nào và cho đến bao giờ người dân có thể đón lễ trong niềm hân hoan, hạnh phúc? Hay cuối cùng, ta chỉ còn thấy những tấm xương khô vất vưởng khắp phố phường vì sức tàn lực kiệt.
Share this article :

Đăng nhận xét

 
Support : Tài Liệu Học Tập | Vui Cười | Kỹ Năng
Copyright © 2011. Life To Sharing - All Rights Reserved
Design by Mr.Csmprince Published by SVnet
Proudly powered by Blogger