Home » , » Tạo động lực nhờ những yếu tố phi vật chất

Tạo động lực nhờ những yếu tố phi vật chất

Written By Son Nguyen on Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012 | 21:52

Giữ chân nhân viên giỏi là nhu cầu của rất nhiều doanh nghiệp dù họ có thể đang gặp khó khăn về mặt kinh tế. Có nhiều cách để giữ chân nhân viên và tạo động lực cho họ mà không ảnh hưởng đến túi tiền của doanh nghiệp.

Dưới đây là một số cách khá hiệu quả mà doanh nghiệp có thể sử dụng.


Khuyến khích về mặt tâm lý 

Thay đổi chức danh có thể là một ví dụ nhỏ về cách khích lệ nhân viên mà không làm doanh nghiệp tốn kém một xu. Mọi người thường lấy công việc làm thước đo giá trị bản thân và việc phong cho họ một chức danh mới (ngay cả khi lương, thưởng vẫn giữ nguyên) khiến họ nhuệ khí bừng bừng. Nếu để ý, có thể thấy các văn phòng bây giờ nhan nhản các “trợ lý” hoặc “điều phối viên” thay vì “thư ký”. Dù công việc chẳng khác gì nhau nhưng “trợ lý” và “điều phối viên” vẫn kêu hơn nhiều.

Giao nhiều loại công việc và tăng cường cơ hội học hỏi 

Giao nhiều loại công việc và cho nhân viên quyền tự quyết cũng là cách để làm nhân viên thỏa mãn và gắn bó với công ty. Việc đào tạo chéo hoặc chuyển sang phòng ban khác dù chỉ trong ngắn hạn có thể làm nhân viên hứng thú hơn. Nhiều công ty còn sáng tạo hơn  khi trao đổi nhân viên với các công ty khác, tạo cơ hội cho các tình nguyện viên và cho phép nhân viên có các kỳ nghỉ phép.

Một cách khác để động viên nhân viên là cho họ cơ hội phát triển bản thân, khuyến khích họ tham gia các khóa đào tạo trực tiếp hoặc trực tuyến, hoàn tiền học phí cho họ.

Các doanh nghiệp cũng có thể sử dụng một “đào tạo viên” là nhân viên có kinh nghiệm hoặc ở cấp cao hơn để hướng dẫn cho nhân viên cấp dưới. Việc đào tạo kiểu này vừa hỗ trợ, khuyến khích, tạo động lực cho nhân viên vừa tiết kiệm chi phí.

“Học hỏi không ngừng” là quá trình cho phép nhân viên hiểu được cơ cấu tổ chức trong mối tương quan với công việc họ đang làm. Hiểu được vai trò của mình trong một tổ chức là điều rất có lợi. Chẳng hạn như công ty Starbucks khuyến khích nhân viên (những người họ gọi là đối tác) học hỏi về sản phẩm và dịch vụ khách hàng của công ty bằng cách mỗi tuần tặng cho họ nửa cân cà phê. Việc này giúp họ hiểu biết hơn về sản phẩm mà công ty bán và có thể truyền đạt kinh nghiệm đó cho những người khác. 

Cơ hội thăng tiến

Cơ hội được tiến thân và phát triển sự nghiệp cũng là một động lực để nhân viên làm tốt công việc của mình.

Một trong những con đường thăng tiến trong Starbucks’ là đạt được danh hiệu “Coffee Master” hay chuyên gia cà phê. Muốn có được danh hiệu này và đeo chiếc tạp dề màu đen đặc trưng, nhân viên công ty phải trải qua khá nhiều cuộc thi tài cũng như tham gia các khóa đào tạo bắt buộc.

Động lực từ các nhân viên khác và từ cán bộ quản lý 

Chủ doanh nghiệp cũng có thể thực hiện các chương trình khuyến khích nội bộ để nâng cao dịch vụ khách hàng và tạo môi trường hòa thuận trong các phòng ban. Một công ty đã áp dụng chương trình “Thẻ Bạch Kim” để khuyến khích nhân viên. Theo đó, các cán bộ quản lý được giao những tấm “Thẻ Bạch Kim”, và họ sẽ phát thẻ này cho bất kỳ nhân viên nào hoàn thành vượt mức nhiệm vụ. Bản thân một nhân viên cũng có thể yêu cầu cán bộ quản lý tặng thẻ cho một nhân viên khác. Khi nhận được thẻ Bạch Kim, nhân viên có thể dùng để đổi lấy những món quà tại phòng nhân sự như miếng lót chuột, cốc uống cà phê hoặc áo phông có logo của công ty. 

Một chương trình khá phổ biến khác là chương trình “Nhân viên của tháng”. Mỗi công ty đều có tiêu chí riêng cho chương trình này nhưng nhìn chung là để thưởng cho nhân viên có thành tích tốt. Các cách thưởng bao gồm thẻ quà tặng, hoa, ảnh trên bảng vàng và thậm chí là cả một bữa tiệc mừng. Tùy vào công ty mà nhân viên của tháng có thể được đề cử bởi sếp hay đồng nghiệp.

Thưởng thâm niên cũng là cách hay dùng để khuyến khích những người làm lâu năm. Thưởng thâm niên có thể là tổ chức một bữa tiệc, tặng quà, tặng hoa… khi nhân viên đó làm cho công ty một số năm nhất định. Ngoài ra, nếu công ty có bản tin riêng thì có thể đăng thông báo về sự kiện này trên bản tin. Sự ghi nhận của lãnh đạo và đồng nghiệp trong trường hợp này sẽ khuyến khích nhân viên đóng góp nhiều hơn cho công ty.

Tạo ra nhiều lựa chọn trong công việc

Xu hướng mới là tạo ra nhiều lựa chọn cho nhân viên như được làm việc với thời gian linh hoạt hoặc được làm việc qua điện thoại/internet. Với những nhân viên phải cân đối giữa công việc và cuộc sống, thay đổi lịch làm việc vào một thời điểm thích hợp mà không ảnh hưởng đến công việc là một trải nghiệm thú vị vì nó cho phép họ làm các công việc cá nhân mà không bị quản chế. Nhân viên có thể chọn hoàn thành công việc theo kế hoạch của họ hoặc theo dự án và như thế họ sẽ cảm thấy thỏa mãn hơn.

Phản hồi kịp thời

Một trong những cách hiệu quả mà ít tốn kém nhất là đưa ra ý kiến về công việc của họ. Như trong cẩm nang về quản lý nhân lực của Noe, Hollenbeck, Gerhart, Wright đã nêu “Nếu không làm nhân viên nhận thức được tại sao công việc của họ không đạt yêu cầu, chắc chắn họ sẽ không bao giờ tiến bộ được”.

Đưa ra ý kiến phản hồi, bao gồm cả những ý kiến tích cực về công việc của nhân viên, khen ngợi công việc họ đã làm là cách rất hiệu quả để động viên nhân viên. Việc này không nhất thiết cứ phải lên kế hoạch hay thực hiện định kỳ mà chỉ đơn giản là việc trao đổi thường xuyên. Nhìn nhận những thành tích của nhân viên và đưa ra lời khen chắc chắn sẽ khiến họ tiếp tục đạt được những thành tích đó. 

Cá nhân hóa việc khen thưởng

Để thu được kết quả tối đa, các nhà quản lý nên cố gắng cá nhân hóa các hình thức khen thưởng. Chẳng hạn, một số nhân viên sẽ cảm thấy có nhiều động lực hơn khi được thưởng tiền nhưng một số khác lại thích được tự quyết, được khen ngợi hay được thăng tiến. Do đó, tùy vào ý thích của nhân viên mà nhà quản lý chọn cách thức khen thưởng cho phù hợp. 

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp và trao quyền cho nhân viên

Việc đảm bảo văn hóa doanh nghiệp thực sự đi liền với sứ mệnh và tôn chỉ của công ty là vô cùng quan trọng. Các tiêu chuẩn, giá trị phải có sự cộng hưởng từ trên xuống. Sẽ thực sự có lợi khi mọi nhân viên đều song hành với lý tưởng của doanh nghiệp. Trao quyền cho nhân viên và khuyến khích sự tham gia của họ là yếu tố quyết định sự tận tâm, tận lực của họ và sự thành công của công ty. 

Một nhân viên của công ty Starbucks tên là Francine Barodeyr cho biết: “chúng tôi được quyền tự tính số khách hàng”. Có vẻ như không chỉ Francine mà nhiều nhân viên khác đều cảm thấy muốn được làm chủ công việc của mình. Điều này có thể chứng minh qua các số liệu về nhân viên của Starbucks, đó là công ty này có tỷ lệ nhân viên nghỉ việc thấp hơn 120% so với các công ty cùng lĩnh vực. Ngoài ra, tỷ lệ hài lòng với công việc của công ty là 82% trong khi của các công ty khác trung bình là 50%. Tóm lại, việc nuôi dưỡng, phát triển văn hóa doanh nghiệp và trao quyền cho nhân viên không chỉ mang lại lợi ích cho nhân viên mà còn cho cả doanh nghiệp.

Các biện pháp khen thưởng sẽ giúp nhân viên tích cực làm việc hơn từ đó góp phần vào sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc tìm kiếm tất cả các hình thức khuyến khích rồi chọn hình thức nào cho phù hợp với văn hóa và tổ chức của doanh nghiệp mình không phải là dễ làm. Vậy tại sao bạn không bắt tay ngay với những hình thức khen thưởng nhân viên ở trên để đạt được mục tiêu của mình một cách nhanh nhất, đơn giản nhất.
(Dịch từ Suite101)
Share this article :

Đăng nhận xét

 
Support : Tài Liệu Học Tập | Vui Cười | Kỹ Năng
Copyright © 2011. Life To Sharing - All Rights Reserved
Design by Mr.Csmprince Published by SVnet
Proudly powered by Blogger